Sáng 11-10, tại TP. Quy Nhơn (Bình Định) đã diễn ra hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giữa TP. HCM với các tỉnh trong vùng Duyên hải Trung bộ, gồm: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi.
Theo báo cáo, trong năm qua, TP. HCM và các tỉnh Duyên hải Trung bộ đã thực hiện 10 nội dung hợp tác cấp vùng và 11 nội dung hợp tác song phương xoay quanh các lĩnh vực, như: xúc tiến thương mại và đầu tư, du lịch, y tế, nông nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, giáo dục và đào tạo… Qua đó đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển chung của cả nước.
Phát triển nhanh và bền vững vùng Duyên hải Trung bộ là chủ trương lớn của Đảng, được thể hiện trong Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. |
Hầu hết các ngành, lĩnh vực đều đã triển khai hợp tác phát triển KT-XH theo kế hoạch đề ra; xác định được nhiều nội dung hợp tác quan trọng, thiết thực, có sức lan tỏa để triển khai hợp tác trong thời gian tới, tạo dấu ấn cho nền kinh tế của từng địa phương.
Nhiều nội dung hợp tác cụ thể giữa các địa phương được định hình, thống nhất phối hợp triển khai. Trong đó, đã tổ chức đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối trên địa bàn TP. HCM; quảng bá đến người tiêu dùng thành phố quy mô hơn 10 triệu người; từng bước tạo được mối quan hệ hợp tác trên lĩnh vực thương mại, giao thương hàng hóa…
Trong khuôn khổ hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giữa TP. HCM với các tỉnh trong vùng duyên hải Trung bộ diễn ra vào nay tại TP. Quy Nhơn (Bình Định), các địa phương đã đưa ra hơn 700 dự án mời gọi đầu tư. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp, kinh tế biển, thương mại, dịch vụ, logistics, xây dựng, hạ tầng, y tế, giáo dục và đào tạo.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Chia sẻ hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, Vùng duyên hải Trung bộ (gồm Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận) có tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế biển, cảng biển, thế mạnh quan trọng để phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh biển, đảo của vùng và cả nước.
Trong đó, một trong những lợi thế lớn nhất của các địa phương trong vùng là vị trí địa lý gần đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước là TP. HCM và các địa phương đều giáp biển, phù hợp với nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp và trải nghiệm, khám phá của khách du lịch. Đồng thời, các địa phương trong vùng hiện còn nhiều khu, cụm công nghiệp với quỹ đất sạch lớn, chính sách thu hút đầu tư ngày càng hoàn thiện, đồng bộ.
Về phía tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cam kết, khi đầu tư dù ở địa phương nào trong vùng, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện dự án thành công, phát triển. ông Hiền cũng hy vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm đến với vùng Duyên hải Trung bộ, trong đó có Quảng Ngãi để khảo sát thực tế, tìm hiểu sâu hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. HCM khẳng định: "Với vai trò, trách nhiệm đầu tàu kinh tế của mình, TP. HCM cam kết hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính và đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, logistics để thúc đẩy các dự án hợp tác đầu tư với các tỉnh Duyên hải Trung bộ là chủ trương, chính sách của TP luôn tăng cường mở rộng giao thương, vừa là hỗ trợ các tỉnh vừa kết nối cho sự phát triển của TP.
Thông qua hội nghị, ông Dương Ngọc Hải đề nghị các doanh nghiệp, hội ngành nghề TP. HCM quan tâm tìm hiểu để kết nối các cơ hội hợp tác, đầu tư phát triển, mở rộng thị trường tại các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ.
Sau hơn 10 năm đầu tư, phát triển hạ tầng Khu công nghiệp, VSIP Quảng Ngãi đã thu hút được 35 nhà đầu tư, với tổng vốn hơn 1 tỷ USD đến từ các quốc gia/ vùng lãnh thổ, như Mỹ, Philippines, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Bi, Trung Quốc... |
Là doanh nghiệp phía Nam đầu tư rất sớm vào vùng Duyên hải Trung Bộ, đến nay Becamex IDC đã đầu tư 3 khu công nghiệp tại Quảng Ngãi, Bình Định và Bình Thuận.
Ông Nguyễn Văn Lăng, Tổng Giám đốc Becamex VSIP Bình Định, cho biết, đây là dự án thành công điển hình tại địa phương. Đến nay, dự án Becamex VSIP Bình Định đã trở thành tổ hợp công nghiệp - đô thị hiện đại, thu hút nhiều nhà đầu tư vào hoạt động. Dự án đã thay đổi bộ mặt địa phương, nâng cao mức sống, tạo rất nhiều việc làm cho người dân, thu hút được 170 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài và dự kiến sẽ thu hút 2 tỉ USD khi lấp đầy.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định trao quyền đăng cai hội nghị liên kết với TP. Hồ Chí Minh lần tiếp theo cho tỉnh Quảng Ngãi. |
Khu vực Duyên hải Trung bộ được xem là mảnh đất đầy tiềm năng. Song, để phát huy tối đa những tiềm năng lợi thế đó, các địa phương trong khu vực cần phải có sự liên kết với nhau để phát triển.
Bên cạnh đó, việc phát triển nhanh và bền vững vùng Duyên hải Trung bộ là chủ trương lớn của Đảng, được thể hiện trong Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.