Bài IV: Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có vận tốc 350 km/h Trình Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam hơn 67 tỷ USD |
Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới của ngành giao thông vận tải khi Chính phủ xác định mốc thời gian quan trọng: Khởi công xây dựng Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trước ngày 31/12/2026. Không chỉ là dự án hạ tầng trọng điểm cấp quốc gia mà còn là biểu tượng cho sự chuyển mình của hệ thống giao thông Việt Nam sang giai đoạn hiện đại, an toàn và bền vững hơn.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng chiều dài khoảng 1.541km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua địa bàn 20 tỉnh, thành phố. Tuyến đường sử dụng đường đôi khổ tiêu chuẩn 1.435mm, thiết kế vận tốc lên đến 350km/h, đảm bảo khả năng vận chuyển hành khách siêu tốc và lưỡng dụng cho quốc phòng, an ninh, thậm chí có thể chuyển đổi để vận tải hàng hóa khi cần.
Dự án dự kiến sẽ có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, sử dụng công nghệ đường sắt điện khí hóa hiện đại, đồng bộ và an toàn, lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam.
![]() |
Yêu cầu khởi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trước 31/12/2026. |
Chính phủ vừa mới ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP, thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc triển khai Nghị quyết số 172/2024/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đầu tư một hệ thống đường sắt tốc độ cao với quy mô và công nghệ lớn như vậy, đồng thời áp dụng hàng loạt cơ chế chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm hiệu quả.
Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng cơ quan chủ quản, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan để trình Thủ tướng phê duyệt dự án, tổ chức triển khai đồng bộ để đảm bảo tiến độ khởi công trước ngày 31/12/2026.
Không dừng lại ở việc xây dựng tuyến đường, Chính phủ còn yêu cầu xây dựng Đề án phát triển công nghiệp đường sắt đến năm 2035, tầm nhìn 2045 nhằm xác định rõ các lĩnh vực cần ưu tiên như: Thiết bị, phương tiện, vật tư, hệ thống tín hiệu và điện động lực, công nghiệp phụ trợ
Đồng thời, một Đề án đào tạo nguồn nhân lực cũng đang được xây dựng để chuẩn bị lực lượng chuyên môn phục vụ quá trình xây dựng, vận hành và bảo trì tuyến đường sắt tốc độ cao. Đối tượng đào tạo trải rộng từ cơ quan quản lý Nhà nước đến các đơn vị thực thi, vận hành.
Một trong những điểm độc đáo của dự án là phát triển các khu vực quanh nhà ga theo mô hình TOD (Transit-Oriented Development)– quy hoạch đô thị gắn liền với hệ thống giao thông công cộng. Các địa phương được giao chủ động rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng phụ cận các ga đường sắt để. Điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật – xã hội. khai thác quỹ đất hiệu quả, tạo nguồn thu ngân sách qua đấu giá đất, thúc đẩy phát triển đô thị văn minh, hiện đại
Mô hình TOD sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị, đồng thời tạo ra sức bật kinh tế cho các vùng đất dọc tuyến đường sắt tốc độ cao.
Chính phủ cũng đặt mục tiêu kiện toàn Ban Quản lý dự án chuyên ngành và tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, để đảm bảo tổ chức đủ năng lực triển khai, tiếp nhận và vận hành tuyến đường khi hoàn thành. Từ khâu chuẩn bị đầu tư đến quản lý, khai thác hạ tầng, tất cả sẽ được đồng bộ hóa trong chiến lược dài hạn của ngành.
Với tổng mức đầu tư sơ bộ lên tới 1.713.548 tỷ đồng, dự án được kỳ vọng sẽ không chỉ kết nối hai trung tâm kinh tế – chính trị lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM, mà còn là cú hích lớn cho phát triển vùng, tái cơ cấu giao thông quốc gia và hiện đại hóa nền kinh tế.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ là biểu tượng cho tầm nhìn chiến lược, thể hiện quyết tâm đổi mới tư duy phát triển, không ngừng nâng cao chất lượng sống, gắn kết con người và vùng miền trên dải đất hình chữ S.