Sáng 28/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Một điểm mới đáng chú ý là Chính phủ đề xuất bổ sung quy định cho phép bán ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong một số trường hợp đặc biệt.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp- Nguyễn Hải Ninh trình bày dự thảo sửa đổi (Ảnh: H.P) |
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, dự thảo sửa đổi lần này tập trung vào việc xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép và chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ khi hết thời hạn mà người vi phạm hoặc chủ sở hữu không đến nhận, cũng như khi không xác định được chủ thể hợp pháp.
Cụ thể, Chính phủ đề xuất cho phép tổ chức bán ngay tang vật, phương tiện nếu thuộc các trường hợp: Có thời hạn sử dụng dưới 6 tháng kể từ lúc bị tạm giữ mà không có điều kiện bảo quản kỹ thuật phù hợp; dễ hư hỏng, suy giảm chất lượng; có nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng; không có địa điểm hoặc không thể thuê kho, bãi, phương tiện bảo quản đạt chuẩn kỹ thuật.
Việc bán ngay những tang vật, phương tiện này nhằm mục tiêu rút ngắn quy trình xử lý, giảm tình trạng tồn đọng, quá tải kho bãi, đồng thời ngăn chặn thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước. Theo tờ trình của Chính phủ, toàn bộ số tiền thu được từ việc bán sẽ gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước. Nếu quá thời hạn quy định mà người vi phạm không đến nhận lại, số tiền đó sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước.
![]() |
Hình ảnh tại một bãi giữ phương tiện vi phạm trên địa bàn huyện Bình Chánh |
Dự thảo luật cũng yêu cầu người có thẩm quyền tạm giữ tang vật phải báo cáo cấp trên ra quyết định tịch thu và tổ chức bán ngay tang vật, phương tiện theo giá thị trường, đảm bảo khách quan và minh bạch.
Ở góc độ thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đồng tình với đề xuất này, cho rằng đây là giải pháp cần thiết để khắc phục các bất cập trong công tác xử lý tang vật vi phạm hành chính hiện nay. Tuy nhiên, ông Tùng lưu ý cần rà soát chặt chẽ quy định bổ sung, bởi nội dung này liên quan trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản - một quyền được Hiến pháp bảo vệ.
Ngoài ra, ông Tùng nhấn mạnh Luật hiện hành đã có quy định về xử lý hàng hóa, vật phẩm dễ hư hỏng là tang vật vi phạm. Vì vậy, khi bổ sung quy định mới, cần tránh chồng chéo, đảm bảo sự nhất quán trong hệ thống pháp luật.
Từ kinh nghiệm thực tiễn địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi bày tỏ sự ủng hộ đối với việc sửa đổi lần này. Ông dẫn chứng, tại TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác, thực trạng "không còn bãi giữ xe vi phạm" là phổ biến, khiến việc bảo quản tang vật gặp nhiều khó khăn, tốn kém và lãng phí.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính, việc sửa đổi lần này không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tiễn mà còn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cộng đồng và cả người vi phạm nếu quy trình được thực hiện minh bạch, đúng luật.
Nếu được thông qua, quy định bán ngay tang vật, phương tiện vi phạm sẽ giúp cải thiện đáng kể hiệu quả quản lý tài sản Nhà nước, giải quyết những tồn đọng kéo dài trong xử lý vi phạm hành chính, đồng thời tăng cường tính minh bạch, công bằng trong thực thi pháp luật.