Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu quý I/2025 đạt 102,84 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của các ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu dần ổn định sau nhiều biến động.
![]() |
Để giữ vững kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam cần kiên định và chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu |
Tăng trưởng đồng đều ở các khu vực
Điểm sáng đáng chú ý trong xuất khẩu của quý I/2025 là sự tăng trưởng đồng đều giữa các khu vực kinh tế. Cụ thể, khu vực kinh tế trong nước đạt kim ngạch xuất khẩu 29,02 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ và chiếm 28,2% tổng kim ngạch. Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) vẫn giữ vai trò chủ lực với 73,82 tỷ USD, tăng 9%, chiếm 71,8% tổng xuất khẩu.
Sự bứt phá của khu vực doanh nghiệp trong nước cho thấy các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đã phát huy hiệu quả. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng bắt đầu tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, gia tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến chế tạo, nông sản chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ.
Cơ cấu hàng hóa: Hàng công nghiệp chế biến chiếm ưu thế
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục ghi nhận sự chủ đạo của nhóm hàng công nghiệp chế biến, chiếm đến 88,4% tổng kim ngạch. Đây là dấu hiệu tích cực, phản ánh sự chuyển dịch đúng hướng trong cơ cấu xuất khẩu, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô.
Một số nhóm hàng chủ lực tiếp tục duy trì “phong độ” cao như: điện thoại và linh kiện, máy vi tính và sản phẩm điện tử, dệt may, da giày, máy móc thiết bị. Ngoài ra, nông sản cũng cho thấy sự tăng trưởng tốt, đặc biệt là gạo, cà phê và rau quả – những mặt hàng hưởng lợi nhờ nhu cầu tăng tại các thị trường châu Á và châu Âu.
Theo thống kê, đã có 18 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD chỉ trong quý I, trong đó 5 mặt hàng vượt mốc 5 tỷ USD, đóng góp tới 59,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Xuất khẩu nông sản, thủy sản khởi sắc
Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Giá gạo xuất khẩu duy trì ở mức cao nhờ nhu cầu ổn định từ các nước châu Á và châu Phi. Xuất khẩu cà phê, hạt điều, trái cây đều tăng trưởng tốt nhờ việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Thủy sản, đặc biệt là tôm và cá tra, cũng ghi nhận mức tăng trưởng khá, nhờ sự phục hồi của các thị trường Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Các doanh nghiệp xuất khẩu đã chủ động hơn trong việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và thâm nhập sâu vào các kênh phân phối hiện đại.
Thặng dư thương mại được duy trì
Cán cân thương mại quý I tiếp tục ghi nhận thặng dư, đạt 3,16 tỷ USD, củng cố thêm cho ổn định vĩ mô và tạo điều kiện thuận lợi cho điều hành chính sách tiền tệ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 202,52 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ 2024.
Việc duy trì thặng dư thương mại trong bối cảnh nhập khẩu phục hồi nhanh là tín hiệu cho thấy sản xuất trong nước đang mở rộng, đầu tư cho sản xuất hàng hóa xuất khẩu được đẩy mạnh.
Nhìn chung, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đang duy trì xu hướng tích cực với tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước.
Mức tăng trưởng ước đạt 10,6% trong quý I/2025 vẫn thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng 12% đặt ra cho cả năm 2025 song cao hơn kịch bản của ngành Công Thương xây dựng tương ứng với tăng trưởng kinh tế 8% trở lên (kịch bản quý I/2025 tăng 7,9%).
Những thách thức lớn từ quý II/2025
Bước sang quý II và những tháng còn lại của năm 2025, tình hình xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức.
Đáng chú ý nhất là việc Hoa Kỳ - đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tuy tạm hoãn áp dụng mức thuế đối ứng lên tới 46% đối với nhiều mặt hàng xuất xứ từ Việt Nam song khả năng hàng xuất khẩu Việt Nam chịu mức thuế cao vẫn cần phải được tính đến trong các kịch bản. Các mặt hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nếu như mức thuế này vẫn được áp dụng gồm dệt may, da giày, thiết bị điện tử và một số sản phẩm nông nghiệp chế biến.
Theo Bộ Tài chính, nếu kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ giảm 10%, tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam có thể bị kéo giảm tới 0,84 điểm phần trăm. Trong bối cảnh Mỹ chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đây là thách thức không hề nhỏ.
Bên cạnh đó, những bất ổn địa chính trị tại châu Âu, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, rủi ro suy giảm nhu cầu toàn cầu cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu trong những tháng tới.
Triển vọng và giải pháp ứng phó
Dù bối cảnh quốc tế nhiều bất ổn, Bộ Công Thương vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% cho cả năm 2025. Mục tiêu này dựa trên các cơ sở: Sự phục hồi tiêu dùng tại các nền kinh tế phát triển, đặc biệt tại châu Âu và Đông Bắc Á; việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP để mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào Mỹ; sự chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhờ lợi thế về chi phí và năng lực sản xuất.
Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Việt Nam cần nhanh chóng đa dạng hóa thị trường. Mở rộng thị trường tại châu Phi, Nam Mỹ, Nam Á và Trung Đông, giảm rủi ro tập trung vào một số thị trường truyền thống. Đây cần được coi là giải pháp không chỉ cho năm 2025 mà còn cả các năm sắp đến.
Bên cạnh đó cần tăng cường năng lực sản xuất nội địa với việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu, đẩy mạnh chế biến sâu, đầu tư công nghệ mới để cải thiện chất lượng và sức cạnh tranh. Đặc biệt cần tận dụng tối đa các FTA đã ký với việc chủ động khai thác các ưu đãi thuế quan, thúc đẩy ký kết thêm các hiệp định thương mại song phương và đa phương.
Các giải pháp khác cũng cần được quan tâm như cải thiện hạ tầng giao thông, giảm chi phí logistics nội địa để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận vốn, công nghệ, thông tin thị trường và chương trình xúc tiến thương mại quốc tế.
Những thách thức phía trước với công tác xuất khẩu đòi hỏi cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần phải hai “hơn”: Chủ động hơn nữa, linh hoạt hơn nữa trong việc ứng phó với biến động toàn cầu. Xuất khẩu năm 2025 sẽ là phép thử thực sự cho sức chịu đựng, bản lĩnh và khả năng chuyển mình của Việt Nam trong hành trình vươn ra “biển lớn” của thị trường thế giới. |