Trong bối cảnh Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chủ trì cuộc họp lần thứ tư nhằm triển khai kết luận của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Cuộc họp có sự tham dự của các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương nhằm đánh giá tác động từ chính sách thuế của Hoa Kỳ đến nền kinh tế Việt Nam và đề ra các giải pháp ứng phó phù hợp.
Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành đã phân tích toàn diện những ảnh hưởng từ chính sách thuế quan mới, đặc biệt đến sản xuất, xuất khẩu, việc làm, tài chính, tiền tệ, giá cả thị trường và các mục tiêu tăng trưởng. Các đề xuất đã được đưa ra nhằm đảm bảo sự thích ứng linh hoạt, hiệu quả, đồng thời củng cố quan hệ thương mại cân bằng và bền vững với Hoa Kỳ.
![]() |
Ứng phó chính sách thuế quan của Mỹ: Bàn giải pháp từ hàng hóa xuất nhập khẩu |
Đáng chú ý, Thủ tướng cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã công bố quyết định giảm mức thuế xuống 10% và tạm hoãn áp dụng các biện pháp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày. Bên cạnh đó, phía Hoa Kỳ cũng nhất trí khởi động đàm phán với Việt Nam về một thỏa thuận thương mại đối ứng.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thành lập Đoàn đàm phán do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng đoàn để tiến hành đàm phán với Hoa Kỳ. Quá trình này cần được đặt trong tổng thể quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, cũng như trong chiến lược hợp tác thương mại đa phương của Việt Nam với 17 hiệp định thương mại tự do hiện hành.
Thủ tướng nhấn mạnh, đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội quan trọng để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nhanh và bền vững; tái cấu trúc doanh nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường và chuỗi cung ứng; nâng cao năng lực doanh nghiệp trong việc tham gia vào thị trường và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và giữ vững các cân đối lớn. Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu các gói tín dụng mới, mở rộng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá và đảm bảo an toàn dự trữ ngoại tệ.
Đặc biệt, các thủ tục hành chính cần được cắt giảm mạnh mẽ, tối thiểu 30% về thời gian và chi phí. Việc hoàn thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ thuế phí, tiền thuê đất, cũng như các chính sách hoãn, khoanh, giãn nợ sẽ tiếp tục được triển khai cho các đối tượng bị tác động bởi chính sách thuế mới của Hoa Kỳ.
Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển các công cụ hỗ trợ đầu tư như Quỹ hỗ trợ đầu tư và Cổng đầu tư quốc gia một cửa. Đồng thời, đẩy mạnh khai thác các FTA, mở rộng thị trường xuất khẩu sang Trung Đông, Nam Á, Nam Mỹ... và rà soát các rào cản phi thuế quan.
Trong lĩnh vực thương mại song phương, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh nhập khẩu các mặt hàng Hoa Kỳ có thế mạnh như LNG, máy bay; xử lý các vướng mắc mà doanh nghiệp Mỹ quan tâm; điều chỉnh quy định về bản quyền, sở hữu trí tuệ; tăng cường chống hàng giả, hàng nhái, hàng “đội lốt” để xuất đi nước thứ ba.
Song song với các giải pháp kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an sinh xã hội. Các bộ, ngành phải rà soát, xác định rõ số lượng lao động bị ảnh hưởng để có chính sách hỗ trợ phù hợp, đặc biệt với người nghèo, người có công và lao động thất nghiệp. Các chương trình xóa nhà tạm, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân cũng được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng, yêu cầu theo dõi sát tình hình, phản ứng linh hoạt, hiệu quả trước mọi biến động để duy trì ổn định chính trị - xã hội, tạo nền tảng cho phát triển bền vững và nâng cao đời sống nhân dân.