"Mở khóa" thị trường Halal: Đúc kết từ 27 năm kinh nghiệm xuất khẩu của Vinamilk Tiềm năng thị trường Halal – Chìa khóa thành công cho doanh nghiệp |
Với vị thế nằm trong top 20 nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới, và là 1 trong 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới; đồng thời cũng là mắt xích quan trọng trong nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu thực phẩm Halan…
Hiện, Việt Nam có khoảng 20 mặt hàng nông sản đang được các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) nhập khẩu nhiều như cà phê, gạo, hạt điều, hồ tiêu, trái cây tươi, thực phẩm chế biến, bánh kẹo, mật ong, quế, và nước ép trái cây.
![]() |
Thị trường Halal: Cơ hội lớn nhưng khó tiếp cận |
Cộng với việc là quốc gia có vị trí địa lý chiến lược, thế mạnh về nông nghiệp và hội nhập kinh tế sâu rộng, Việt Nam được nhận định là cửa ngõ quan trọng để thâm nhập thị trường Halal, đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong khi đó, quy mô dân số thị trường Halal đông gấp 4 lần châu Âu, với khoảng 2 tỷ người. Riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, tiêu thụ hơn 63% sản phẩm Halal toàn cầu.
Báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, chi tiêu cho thực phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu ngày càng tăng cao, dự kiến đạt 15.000 tỷ USD vào năm 2050. Hơn nữa, sản phẩm Halal đang được nhiều người quan tâm chứ không riêng cộng đồng Hồi giáo.
Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã từng nhận định: Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu thực phẩm Halal. Tiềm năng mở rộng xuất khẩu Halal của Việt Nam càng được thể hiện rõ hơn khi Việt Nam đã nằm trong top 20 nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal. Vị trí địa lý chiến lược, thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ, cùng với sự hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tạo cơ hội để Việt Nam tham gia thị trường Halal.
Tuy nhiên, xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Việt Nam chưa có tên trong danh sách 20-30 nước cung cấp thực phẩm Halal toàn cầu.
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài mới đây, lãnh đạo Bộ Công Thương đã đưa ra dự báo, với tỷ trọng toàn thị trường trị giá 2 nghìn tỷ USD, chúng ta chỉ cần chiếm thị phần 10% cũng đã mang lại giá trị rất lớn. Nếu phấn đấu trong vòng 5 năm với tốc độ tăng trưởng hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm tỷ trọng cao trong thị trường Halal toàn cầu.
Ông Trương Xuân Trung – Tham tán thương mại Việt Nam tại UAE chỉ ra một số thách thức khi tiếp cận thị trường này, đó là: Hiểu biết về các quy định của hồi giáo và các tiêu chuẩn Halal ở Việt Nam, ngay cả trong cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Quy trình chứng nhận Halal tại Việt Nam hiện nay còn phức tạp và thiếu sự hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế.
“Một trong những thách thức lớn đối với ngành công nghiệp Halal tại Việt Nam là thiếu hụt nhân lực có chuyên môn và hiểu biết về các tiêu chuẩn Halal. Bên cạnh đó, các sản phẩm Halal của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm cùng loại đến từ các quốc gia đã có nhiều năm kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực này”, Tham tán thương mại Việt Nam tại UAE nhấn mạnh.
Ngoài ra, sự khác biệt về tiêu chuẩn Halal giữa các quốc gia cũng làm tăng chi phí lẫn thời gian để đạt được sự công nhận quốc tế.
Từ thực tiễn tại thị trường UAE, ông Trương Xuân Trung khuyến nghị: Cần phải hoàn thiện hệ thống pháp lý về Halal, gồm việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia và quy trình chứng nhận phù hợp với yêu cầu quốc tế; có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sản phẩm Halal. Ưu tiên áp dụng các chính sách và phân bổ nguồn ngân sách cho sản xuất sản phẩm Halal.
Còn theo chia sẻ từ Thương Vụ Việt Nam tại Indonesia, khó khăn lớn nhất đối với thị trường này đó là tính bảo hộ cao; chi phí chứng nhận Halal cao; tình trạng nhũng nhiễu tại các cơ quan hữu quan gây nhiều trở ngại cho nhập khẩu hàng hóa…
Đánh giá cao thị trường Halal tại Indonesia, song các chuyên gia nhận định, đây là thị trường đòi hỏi về giấy phép nhập khẩu; chứng nhận Halal (phải do cơ quan có thẩm quyền Indonesia cấp); tiêu chuẩn quốc gia (SNI); quy định về cảng nhập khẩu (một số nhóm hàng); thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Đặc biệt, các quy chuẩn Halal nghiêm ngặt, hệ thống chứng nhận phức tạp cũng là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp.
Biết khó là vậy, nhưng tham gia thị trường Halal không chỉ giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, phát triển du lịch mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh, thu hút đầu tư tài chính từ những tập đoàn quốc tế và khu vực. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp, địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đặc biệt trong sản xuất, chế biến, bảo quản và vận chuyển theo tiêu chuẩn Halal.
Bởi vậy, Văn phòng Chính phủ đã có công văn 4169/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao nghiên cứu thông tin tại Báo cáo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để xây dựng kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm Halal.
Theo Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu, dự đoán chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal sẽ đạt mức gần 1.700 tỷ USD vào năm 2025. Đây là cơ hội để nông sản, thủy sản Việt Nam tiến vào thị trường Halal nếu có sự đầu tư bài bản, hiệu quả. |