Các khoản vay của Nhiệt điện Quảng Ninh (UpCOM: QTP) có bản chất là khoản vay lại từ EVN do tập đoàn này vay từ ChinaEximbank, nhưng vẫn bị áp trần theo khoản 3 - Điều 8 Nghị định 20/2017 (Ảnh: NDH)
Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) thành lập năm 2002, là công ty liên kết có 42% vốn góp của Tổng Công ty phát điện 1 (EVN Genco 1), ngoài ra còn có cổ đông lớn là Tổng Công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). EVN Genco 1, đến lượt mình, lại là công ty con 100% vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Vì vậy, về bản chất, QTP và EVN là hai công ty liên kết.
QTP được thành lập là để đầu tư hai dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh 1 và 2, nằm trong qui hoạch phát triển điện lực quốc gia do Thủ tướng phê duyệt.
Theo QTP, đến 31/12 năm ngoái, khoản vay từ EVN chiếm tới 82% tổng dư nợ của công ty này. Theo Nghị định 20/2017, đây là giao dịch giữa các công ty liên kết.
Căn cứ khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20, “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế. ”
Như vậy, nếu theo qui định của Nghị định này, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% tổng thu nhập trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) sẽ không được tính để khấu trừ thu nhập chịu thuế của QTP, vì khoản vay này đến từ công ty liên kết là EVN.
Tuy nhiên, câu chuyện bắt đầu phức tạp khi bản chất đây là khoản QTP vay lại từ EVN, có được do EVN vay Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (ChinaEximbank) thông qua hai hợp đồng tín dụng để phát triển dự án Nhiệt điện Quảng Ninh 1 và 2.
Theo cách tính của Nghị định 20, QTP sẽ không được tính phần chi phí lãi vay vượt 20% (như nói trên) để khấu trừ vào thu nhập tính thuế, đồng thời EVN cũng chịu thuế với phần thu nhập lãi vay, dù nguồn gốc khoản vay và cho vay lại là một. QTP gọi đó là “tính thuế 2 lần” đối với một khoản vay, lần lượt tại EVN và QTP.
Mặc dù là công văn xin hướng dẫn, có thể thấy QTP đã đưa ra nhiều phân tích về việc qui định này của Nghị định 20 đang khiến công ty gặp những khó khăn gì.
“Qui định này tạo rào cản trong việc cho vay dự án đầu tư dài hạn cần nguồn vốn đầu tư lớn như nhiệt điện dẫn tới mất tính chủ động và cơ hội trong phát triển kinh doanh, mở rộng đầu tư sản xuất”, QTP nói trong công văn, phân tích thêm về việc qui định tại khoản 3 - Điều 8 còn có thể làm “giảm khả năng tạo ra lợi nhuận do lãi vay không được tính đầy đủ và chi phí tính thuế”, và làm cho QTP “tốn kém chi phí vốn”.
Trường hợp của QTP không hề cá biệt trong việc thực thi cách thức tính thuế theo Nghị định 20. Hàng loạt công ty cả nhà nước và tư nhân như Cáp treo Fansipan, Vinacomin, EVN và các EVN Genco, Lilama, Vicem đều lần lượt có các kiến nghị, đề nghị hướng dẫn việc xác định thu nhập chịu thuế liên quan đến khoản 3 - Điều 8 Nghị định 20.
Dù thực tế mỗi DN khác nhau, nhưng bản chất vẫn xoay quanh cách tính chi phí lãi vay với bên liên kết. Theo đó, kịch bản chung là các công ty hoạt động theo mô hình tập đoàn (holdings) khi triển khai dự án hoặc ngành nghề kinh doanh mới thì thành lập công ty con hoặc công ty liên kết.
Để có vốn cho công ty mới mở, các holdings phải huy động vốn từ các nguồn tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, phát hành trái phiếu… và cho công ty liên kết mới mở vay lại. Tuy nhiên, khi áp dụng cách tính thu nhập chịu thuế, chi phí lãi vay “vượt trần” 20% này không được khấu trừ.
Theo phản hồi của đa phần các doanh nghiệp, qui định này có thể gây khó khăn lớn và giảm động lực đầu tư của nhiều DN nhất là các ngành nghề có suất đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn lâu như công nghệ cao, y tế, giáo dục, hạ tầng…
Quay lại với căn cốt của Nghị định 20, mục đích là để tạo hành lang chính sách đủ mạnh nhằm chống chuyển giá. Khoản 3 - Điều 8 với qui định trần 20% nhằm mục đích chống lại tình trạng xói mòn thuế do nhiều công ty con và công ty liên kết của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam thường có EBITDA rất tốt nhưng thu nhập chịu thuế lại rất thấp vì các khoản vay giá cao hoặc các giao dịch mua bán nguyên liệu, công thức sản xuất… với các công ty mẹ hoặc công ty liên kết ở nước ngoài, thường đến từ các thiên đường thuế.
Cách chuyển giá thông qua chuyển lợi nhuận về đầu não tối cao này khá kinh điển, và có bản chất khác với việc vay giữa các công ty liên kết trong mô hình holdings để phát triển kinh doanh và quản lí vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân tại Việt Nam. Theo cách hiểu này, khoản 3 – điều 8 Nghị định 20 đang ‘ngắm bắn’ sai mục tiêu, thậm chí lợi bất cập hại.
Minh chứng cho nhận định này, Luật sư Trương Thanh Đức (Trung tâm Trọng tài quốc tế VN) cho rằng trong khi DN nước ngoài thường có tỷ trọng vốn vay thấp so với vốn chủ sở hữu, thì DN Việt Nam hầu hết đều sử dụng nguồn vốn vay lớn, đến 70 – 80% tổng nguồn vốn.
Trong công văn gửi Bộ Tài chính, Vinacomin phân tích “việc quy định về mức trần trên tổng chi phí lãi vay được trừ, bao gồm cả các giao dịch liên kết lẫn các giao dịch độc lập như vậy là chưa phù hợp với bản chất, mục đích của việc quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết”.
EVN, nơi có các Genco đang đầu tư dài hạn và có thể phải đóng thêm vài trăm tỉ đồng tiền thuế chỉ vì các khoản vay lại từ tập đoàn, cũng nói rằng, “bản chất các giao dịch liên kết có tính chất “cho vay lại” như nêu trên giữa EVN và các đơn vị thành viên được thực hiện theo quy định của Chính phủ và tuân thủ nguyên tắc giá thị trường. Theo đó, nếu tính giới hạn chi phí lãi vay như quy định tại Nghị định 20 sẽ ảnh hưởng đến tình hình tài chính của EVN và các Tổng công ty, gây khó khăn trong cân đối vốn đầu tư của EVN khi thực hiện dự án điện theo Quy hoạch của Chính phủ”.
Trong một bài phân tích mới đây, bà Đinh Mai Hạnh - Phó TGĐ Tư vấn Thuế của Deloitte Việt Nam cho rằng: Nghị định 20 nhằm mục đích tăng tính minh bạch của các giao dịch liên kết, là một bước tiến lớn trong việc chống chuyển giá tại Việt Nam, nhưng nhưng chưa tạo được hiệu ứng tích cực một cách toàn diện.
“Liên tục báo lỗ được xem là một dấu hiệu của hành vi chuyển giá. Tuy nhiên, không nên đánh đồng toàn bộ các trường hợp bị lỗ là chuyển giá. Ví dụ như doanh nghiệp bị lỗ khi mới đi vào hoạt động là có thể hiểu được do doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trong trung và dài hạn”, bà Hạnh viết.
Tuy nhiên, bà Hạnh tin rằng với việc các DN đang không ngừng kiến nghị, cơ quan thuế đang tiếp tục lắng nghe và thu thập ý kiến, có thể tình hình sẽ có chuyển biến trong tương lai gần.
Theo Kinh tế & tiêu dùng