Bộ Nông Nghiệp và Môi trường cùng Bộ Công Thương bình ổn giá thịt lợn Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt chỉ tiêu cho từng nhóm ngành |
Trong bối cảnh áp lực giải ngân lớn và nhiều dự án gặp khó khăn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép giảm kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 của bộ này với con số đáng chú ý lên tới 3.850,4 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Vụ Kế hoạch - Tài chính, đây là phần vốn được xác định sẽ khó triển khai đúng tiến độ trong năm nay, bao gồm hơn 2.595 tỷ đồng chưa được phân bổ và phần còn lại thuộc các dự án đang gặp vướng mắc nghiêm trọng trong công tác triển khai thực hiện.
Năm 2025 đánh dấu một thời điểm đặc biệt – là năm cuối cùng của giai đoạn trung hạn kế hoạch đầu tư công 2021–2025. Đồng thời, đây cũng là thời điểm xảy ra nhiều thay đổi lớn về mặt tổ chức, khi hai bộ là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường được hợp nhất thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
![]() |
Bộ Nông nghiệp và Môi trường xin trả lại 3.800 tỷ vốn đầu tư công. |
Theo đó, việc sáp nhập bộ ngành đã kéo theo những xáo trộn về nhân sự, thay đổi quy trình điều hành, trong khi khối lượng vốn được giao lại rất lớn – lên tới 23.381 tỷ đồng.
Trong tổng vốn này, 22.339 tỷ đồng được giao cho khối Nông nghiệp, 1.042 tỷ đồng thuộc khối Tài nguyên và Môi trường. Tính đến ngày 9/4/2025, Bộ đã phân bổ được 20.786 tỷ đồng cho các dự án, nhưng mới chỉ giải ngân được khoảng 2.141,8 tỷ đồng – tương đương 9,2% kế hoạch vốn được giao và đạt 10,3% vốn đã phân bổ.
Một trong những nguyên nhân chính khiến việc triển khai các dự án đầu tư công chậm tiến độ là do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hiện nay, phần lớn công tác này do chính quyền cấp huyện phụ trách. Tuy nhiên, theo lộ trình sáp nhập đơn vị hành chính, nhiều huyện sẽ bị giải thể hoặc sát nhập, dẫn đến lúng túng trong triển khai.
Đặc biệt, các dự án lớn thuộc lĩnh vực thủy lợi, đất đai và môi trường đều đang gặp khó khăn nghiêm trọng về mặt bằng. Điều này khiến tiến độ thực hiện không bảo đảm, nguy cơ không giải ngân hết vốn được giao là rất cao.
“Việc xin giảm kế hoạch vốn là giải pháp chủ động để tránh tình trạng vốn ‘nằm chết’, gây áp lực lên cân đối ngân sách và đánh giá hiệu quả đầu tư công”, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính chia sẻ.
Việc xin trả lại hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công không chỉ ảnh hưởng tới tiến độ phát triển hạ tầng mà còn là vấn đề cần được làm rõ trách nhiệm. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường báo cáo chi tiết lý do không phân bổ, không giải ngân được vốn, đồng thời phê bình các đơn vị có liên quan.
Vụ Kế hoạch - Tài chính cũng cho biết đang tổng hợp báo cáo tiến độ của các đơn vị trực thuộc, yêu cầu giải trình cụ thể nguyên nhân và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Trong bối cảnh kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021–2025 sắp khép lại, việc điều chỉnh lại kế hoạch vốn là cần thiết để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả đầu tư. Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, rà soát lại toàn bộ danh mục dự án, đồng thời cập nhật quy hoạch tổ chức bộ máy sau sáp nhập để có phương án sử dụng vốn tối ưu trong giai đoạn tới.
Đây là một bài học quan trọng về quản lý đầu tư công, đặc biệt trong bối cảnh có sự thay đổi lớn về cơ cấu tổ chức, pháp lý và nhân sự. Sự chủ động trong đề xuất cắt giảm vốn đầu tư thể hiện tinh thần trách nhiệm của Bộ trong việc sử dụng hiệu quả nguồn lực ngân sách Nhà nước.