Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, vừa ký ban hành Quyết định số 768 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII). Bản điều chỉnh này nhấn mạnh mục tiêu then chốt là bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, với kỳ vọng tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 10%/năm trong giai đoạn 2026–2030 và khoảng 7,5% từ năm 2031 đến 2050. Đặc biệt, quy hoạch cũng xác định rõ yêu cầu đảm bảo an toàn và độ tin cậy của hệ thống điện, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với các vùng phụ tải quan trọng và tiêu chí N-2 đối với những khu vực đặc biệt quan trọng, bao gồm cả nguồn điện hạt nhân. Mục tiêu đến năm 2030 là đưa độ tin cậy cung cấp điện năng của Việt Nam vào nhóm bốn nước dẫn đầu ASEAN, trong khi chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm ba quốc gia hàng đầu khu vực.
Trong định hướng chuyển đổi năng lượng công bằng, Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đặt trọng tâm vào việc phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, ngoại trừ thủy điện, nhằm phục vụ sản xuất điện. Theo đó, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện dự kiến đạt khoảng 28 – 36% vào năm 2030 và tiếp tục tăng lên mức 74 – 75% vào năm 2050. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đặt mục tiêu phát triển các nguồn điện tái tạo và năng lượng mới nhằm xuất khẩu sang các quốc gia như Singapore, Malaysia và các đối tác khu vực khác, với quy mô công suất xuất khẩu kỳ vọng đạt 5.000 – 10.000 MW vào năm 2035.
![]() |
Chính phủ chính thức phê duyệt Quy hoạch điện VIII điều chỉnh |
Về phát triển nguồn điện cụ thể, điện gió trên bờ và gần bờ đến năm 2030 dự kiến đạt công suất từ 26.066 – 38.029 MW, trong khi tổng tiềm năng kỹ thuật điện gió ở Việt Nam được ước tính khoảng 221.000 MW. Với điện mặt trời, tiềm năng toàn quốc lên tới 963.000 MW, và quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ khai thác từ 46.459 – 73.416 MW; hướng tới năm 2050, con số này sẽ tăng lên khoảng 293.088 – 295.646 MW. Bên cạnh hai nguồn chủ lực này, các loại hình điện sinh khối, điện từ rác thải rắn và điện địa nhiệt cũng được ưu tiên phát triển. Cụ thể, đến năm 2030, tổng công suất điện sinh khối đạt khoảng 1.523 – 2.699 MW; điện từ rác, chất thải rắn đạt 1.441 – 2.137 MW; điện địa nhiệt và các nguồn năng lượng mới khác đạt khoảng 45 MW. Định hướng đến năm 2050, các con số lần lượt là 4.829 – 6.960 MW, 1.784 – 2.137 MW và 464 MW.
Thủy điện tiếp tục được khai thác tối đa trên cơ sở bảo đảm các yếu tố môi trường, bảo vệ rừng và an ninh nguồn nước. Với tổng tiềm năng tối đa khoảng 40.000 MW, dự kiến đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy thủy điện (bao gồm cả thủy điện nhỏ) sẽ đạt khoảng 33.294 – 34.667 MW và đến năm 2050 đạt 40.624 MW. Bên cạnh đó, nguồn điện lưu trữ được đặc biệt chú trọng nhằm điều hòa phụ tải và hỗ trợ tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn. Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển thủy điện tích năng đạt quy mô 2.400 – 6.000 MW vào năm 2030, hướng tới năm 2050 sẽ đạt 20.691 – 21.327 MW. Đối với pin lưu trữ, công suất dự kiến đạt 10.000 – 16.300 MW vào năm 2030 và khoảng 95.983 – 96.120 MW vào năm 2050, nhằm tăng khả năng linh hoạt của hệ thống điện trong bối cảnh năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng cao.
Đáng chú ý, giai đoạn 2030–2035 sẽ đưa vào vận hành các Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 với quy mô 4.000 – 6.400 MW. Định hướng đến năm 2050, quy hoạch đề xuất bổ sung thêm khoảng 8.000 MW nguồn điện hạt nhân để đảm bảo nguồn điện nền ổn định, có thể điều chỉnh tăng thêm theo nhu cầu thực tế. Trong khi đó, đối với nhiệt điện than, tổng công suất các nhà máy đang vận hành hoặc đang trong quá trình xây dựng đến năm 2030 là khoảng 31.055 MW. Quy hoạch yêu cầu sớm hoàn thiện 5 dự án với tổng công suất 4.360 MW, gồm Na Dương II, An Khánh – Bắc Giang, Vũng Áng 2, Quảng Trạch 1 và Long Phú I. Ba dự án lớn khác (Nam Định I, Sông Hậu II, Vĩnh Tân 3) đang gặp khó khăn về vốn và cơ cấu đầu tư sẽ tiếp tục được Bộ Công Thương làm việc với nhà đầu tư để xử lý theo quy định. Định hướng đến năm 2050, nhiệt điện than sẽ không còn được sử dụng, thay vào đó chuyển sang đốt sinh khối hoặc amoniac, với tổng công suất quy đổi khoảng 25.798 MW.
Đối với nhiệt điện khí, quy hoạch ưu tiên khai thác tối đa nguồn khí trong nước; nếu sản lượng sụt giảm sẽ bổ sung bằng khí thiên nhiên hoặc LNG nhập khẩu. Tổng công suất các nhà máy sử dụng khí nội địa đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 10.861 – 14.930 MW; đến năm 2050, con số này còn khoảng 7.900 MW, với một phần chuyển sang sử dụng LNG hoặc hydrogen hoàn toàn (ước tính 7.030 MW). Điện khí LNG được phát triển có chọn lọc, tránh phụ thuộc quá mức vào nhiên liệu nhập khẩu. Dự kiến đến năm 2030, tổng công suất điện LNG đạt 22.524 MW, trong đó các dự án như Long Sơn và Long An II sẽ được triển khai giai đoạn 2031 – 2035 hoặc có thể đẩy nhanh nếu điều kiện thuận lợi.
Về xuất khẩu điện, mục tiêu đến năm 2030 là tăng công suất xuất khẩu sang Campuchia lên khoảng 400 MW. Đến năm 2035, công suất xuất khẩu sang Singapore, Malaysia và các đối tác khác trong khu vực sẽ đạt khoảng 5.000 – 10.000 MW, duy trì quy mô 10.000 MW đến năm 2050. Trong quá trình thực hiện Quy hoạch điện, Bộ Công Thương sẽ thường xuyên rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai và kịp thời đề xuất điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với thực tế.
Tổng sản lượng điện thương phẩm dự kiến năm 2030 đạt khoảng 500,5 – 557,8 tỉ kWh, và đến năm 2050 đạt khoảng 1.237,7 – 1.375,1 tỉ kWh. Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2030 đạt khoảng 560,4 – 624,6 tỉ kWh; hướng đến năm 2050 đạt khoảng 1.360,1 – 1.511,1 tỉ kWh. Công suất cực đại hệ thống năm 2030 ước tính đạt từ 89.655 – 99.934 MW, và đến năm 2050 đạt 205.732 – 228.570 MW, phản ánh quy mô phát triển rất lớn của ngành điện để đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ và bền vững của đất nước.