![]() |
Giải pháp chiến lược đặc biệt để tạo đột phá phát triển kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới của dân tộc |
Kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới nền kinh tế (1986) đến nay, quan điểm của Đảng ta về khu vực kinh tế tư nhân luôn nhất quán và xuyên suốt: từ chỗ không được công nhận đến công nhận nhưng chưa coi trọng, sau đó là được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế, nhất là cho tăng trưởng và phát triển bền vững đất nước. Quá trình cho chặng đường đổi mới tư duy, nhận thức là quan trọng nhất vì trong mọi lĩnh vực, tư duy có thông suốt thì mọi việc mới thông suốt. Nhưng quá trình đổi mới nhận thức là một quá trình kéo dài, nhiều thập kỷ-nó được ví như là một cuộc cách mạng.
Đầu tiên tại Văn kiện Đại hội VI năm 1986 chúng ta còn ngập ngừng, do dự khi đưa vào Văn kiện: “Sử dụng kinh tế tư bản tư nhân (tư sản nhỏ) trong một số lĩnh vực, ngành, nghề”. Tiếp đến tại Văn kiện Đại hội VII năm 1991 đã nêu: “Kinh tế tư bản tư nhân được phát triển không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những ngành, nghề mà luật pháp không cấm”. Sau đó Văn kiện Đại hội VIII năm 1996 viết: “Kinh tế tư bản tư nhân có khả năng góp phần xây dựng đất nước”. Và tại Văn kiện Đại hội IX năm 2001 cho rằng: “Khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân rộng rãi trong những ngành nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm”.
Tiếp đến Văn kiện Đại hội X năm 2006 đã có một bước tiến mạnh mẽ về quan điểm, nhận thức khi nhấn mạnh: “Xoá bỏ mọi rào cản, tạo tâm lý xã hội và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp của tư nhân phát triển không hạn chế quy mô trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, kể cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh quan trọng của nền kinh tế mà pháp luật không cấm”.
Để bổ sung thêm thì Văn kiện Đại hội XI năm 2011 nêu: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”. Sau đó thì các văn kiện Đại hội XII năm 2016 và Đại hội XIII năm 2021 tiếp tục nhấn mạnh rằng: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Bước tiến cơ bản và quan trọng nhất là Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết 10 năm 2017, trong đó đặt hai mục tiêu cơ bản: (i) đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; (ii) tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%.
Hành trình của 40 năm Đổi mới gắn liền với sự vận động về tư duy của Đảng về vai trò của kinh tế tư nhân các quan điểm về kinh tế tư nhân trong suốt các kỳ đại hội kể từ Đổi mới đến nay để thấy rằng sự chần chừ, do dự đối với khu vực kinh tế này đã kéo dài trong nhiều thập kỷ. Điều này được thể hiện rõ nét trong văn kiện các đại hội của Đảng, nhất là Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (2017) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (2020) và gần đây nhất là Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XIII (2023) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Và đến nay, nhiều chuyên gia và học giả nghiên cứu và trong quá trình soạn thảo các văn kiện báo cáo chính trị và kinh tế - xã hội cho Đại hội XIV, khu vực kinh tế tư nhân đã được quan tâm khẳng định là “động lực quan trọng nhất” bởi các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước: “Chúng ta cần phải quán triệt lại định hướng quan điểm và nhận thức trong cả hệ thống chính trị về vai trò của kinh tế tư nhân như là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước”.
Tổng Bí thư đang chỉ đạo sát sao việc chuẩn bị một nghị quyết về kinh tế tư nhân mang tính đột phá để mở đường cho khu vực này phát triển vượt bậc trong “kỷ nguyên mới”. Trong khi đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tiếp tục quán triệt tinh thần này của Tổng Bí thư. Ông chỉ đạo tại phiên họp của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị cho Đại hội XIV: “Lấy kinh tế tư nhân làm động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh rằng kinh tế tư nhân là yếu tố quyết định cho tăng trưởng 8%. Có thể khẳng định, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và các nhà lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội như trên về phát triển kinh tế tư nhân cho thấy một bước ngoặt trong tư duy, nhận thức của Đảng và Nhà nước đối với khu vực kinh tế này. Xuyên suốt lịch sử, khu vực kinh tế tư nhân đã trải qua nhiều thăng trầm, từ chỗ bị cải tạo, không được phép tồn tại đến lúc được công nhận và giờ đây được khẳng định là động lực quan trọng nhất.
Trong gần 40 năm Đổi mới Việt Nam đã có hơn 940 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là DNNVV, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Năm 2024, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 50,4% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động. Khu vực kinh tế tư nhân còn góp phần quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo, giảm chênh lệch phát triển giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn.
Trong đó đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như: Tập đoàn Vingroup, Massan, Sun Group, Vietjet, Hòa Phát, Tập đoàn TH, Tập đoàn T&T Thaco…Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của các doanh nghiệp tư nhân lớn đạt khoảng hơn 70 tỷ USD. Trong đó, một số doanh nghiệp tư nhân lớn đã chủ động chuyển đổi, mạnh dạn đầu tư vào các ngành công nghiệp mới; tiên phong đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng xanh, tuần hoàn, khu công nghiệp sinh thái.
Từng bước phát triển trở thành lực lượng dẫn dắt, lan tỏa, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh được hưởng lợi từ mối liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp dẫn đầu này. Mặc dù, đã xuất hiện đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn, tuy nhiên, chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế quốc dân như kỳ vọng. Tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, nhất là trong các lĩnh vực mới như: sản xuất năng lượng sạch, chip, vi mạch, bán dẫn, hydrogen, dự án xanh, khu công nghiệp sinh thái...còn thấp, chưa có các dự án quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Quy mô doanh nghiệp trong nền kinh tế phần lớn là nhỏ và vừa, chưa có công nghệ gốc, chưa đủ tiềm lực để số hóa và xanh hóa, tuần hoàn hoạt động kinh doanh. Cụ thể như sau: về quy mô, doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm khoảng 69%; doanh nghiệp nhỏ chiếm khoảng 25%; còn lại doanh nghiệp quy mô vừa 3,5% và doanh nghiệp lớn chỉ khoảng 2,5%. Cứ 1.000 người dân mới có 1 doanh nghiệp – tỷ lệ rất thấp không chỉ so với khu vực. Có thể thấy, doanh nghiệp trong nước ngày càng bị đẩy vào tình thế teo tóp vì doanh nghiệp siêu nhỏ không thể tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng.
Nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ buộc phải vay trên thị trường chợ đen với điều kiện và lãi suất đắt đỏ, dẫn đến phá sản. “Điều kiện kinh doanh” hay “giấy phép con” mọc lên như nấm sau mưa, trở nên phổ biến ở nước ta. Trong giai đoạn 2021 2024, đã có gần 3000 quy định về điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa tại 243 văn bản quy phạm pháp luật, đạt khoảng 18% trên tổng số 15.801 quy định điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng 13.000 điều kiện kinh doanh, thậm chí hơn, tồn tại trong các văn bản pháp luật. Báo cáo của VCCI năm 2024 cho thấy, có tới 61% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện, 61,36% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức, 21,7% doanh nghiệp gặp phiền hà về cấp giấy phép kinh doanh, buộc phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.
Thời khắc hiện nay khi thế giới chứng kiến nhiều thay đổi lớn, sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, sự điều chỉnh trong cấu trúc đầu tư. Điều này vừa đặt ra các nguy cơ, thách thức nhưng đồng thời cũng mang đến cho các quốc gia thời cơ, vận hội mới, đặt ra các yêu cầu mới cho định hướng phát triển của đất nước. Theo đó, mô hình tăng trưởng cần hướng tới mục tiêu là xanh hoá, bền vững, thích ứng với các cú sốc từ bên ngoài.
Không chỉ là phát triển các ngành kinh doanh truyền thống, mà còn phải dồn lực để thu hút đầu tư và tạo sự bứt phá cho các ngành công nghiệp tiên phong, dẫn dắt. Không chỉ tăng trưởng dựa vào vốn, vào khai thác tài nguyên như trước, mà phải dựa vào KH&CN, ĐMST. Không phải chỉ là phát huy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống mà còn phải phát huy được các động lực tăng trưởng mới đến từ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế dữ liệu. Khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước hiện đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Việc huy động được khối tài sản này cùng với công nghệ, kiến thức, trình độ quản trị, nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp này bổ sung một nguồn lực lớn cho nền kinh tế, góp phần đảm bảo tính tự chủ của kinh tế đất nước.
Các hạn chế, bất cập của phát triển kinh tế tư nhân hiện nay 1/ Thiếu động lực phát triển (tình trạng doanh nghiệp không muốn lớn, hay chỉ phát triển đến một mức độ nào đó thì bán cho nước ngoài; tư duy phát triển ngắn hạn, trong nhiều trường hợp là vi phạm pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh…). 2/ Thiếu nội lực, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là thiếu vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý, nhân lực chất lượng cao, thông tin thị trường… 3/ Thiếu định hướng phát triển dài hạn, kể cả từ phía Nhà nước lẫn doanh nghiệp. 4/ Thiếu sự kết nối (giữa doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân với nhau, giữa khu vực kinh tế tư nhân với khu vực FDI, với khu vực nhà nước và với chiến lược phát triển quốc gia). Năm, thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả (mặc dù cũng đã có khá nhiều cơ chế, chính sách). |
Tất cả những vấn đề ở trên đang khiến cho khu vực này hoạt động với hiệu quả thấp, năng lực cạnh tranh không cao, năng lực hội nhập quốc tế thấp, không vươn tầm được ra khu vực và quốc tế, trong nhiều trường hợp còn thua ngay trên sân nhà, năng lực đổi mới sáng tạo thấp. Đây có thể coi là thời điểm không thể chậm trễ hơn phải khắc phục những thiếu hụt kể trên, khơi dậy sức mạnh của khu vực kinh tế tư nhân, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045 đã được đề ra, nhất là trong bối cảnh thế giới đang có những biến động nhanh, mạnh, khó lường, nhiều thay đổi mang tính thời đại với những tác động nhiều chiều đến nền kinh tế nước ta.
Cần pháp lý hoá quan điểm “kinh tế tư nhân làm động lực quan trọng nhất” được đưa vào nghị quyết mới về kinh tế tư nhân như Khoán 10, cũng như văn kiện Đại hội XIV và Hiến pháp 2025 sau khi sửa đổi. Khi đó, mọi rào cản, giáo điều, định kiến sẽ được gỡ bỏ, giúp thổi bùng năng lực nội sinh của quốc gia, dân tộc, thúc đẩy phát triển thịnh vượng. Điều này là đặc biệt quan trọng, bởi vì chỉ khi tư duy được đổi mới và có sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động chúng ta mới có thể có được các cơ chế, chính sách thực sự phù hợp và thúc đẩy sự phát triển của khu vực này. Cần đổi mới tư duy từ chú trọng quản lý sang kiến tạo phát triển; từ hỗ trợ trước đầu tư sang “thưởng sau” đầu tư.
Cần tiếp tục khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là một cấu phần không thể thiếu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có vai trò quan trọng đặc biệt cho tăng trưởng; cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể là lực lượng nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và tạo đột phá, đưa nước ta sớm vượt qua nguy cơ tụt hậu, tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình và vươn lên phát triển thịnh vượng, đạt được các mục tiêu đã đặt ra đến năm 2030 và năm 2045. Kinh tế tư nhân được tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển bình đẳng với các khu vực kinh tế khác, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều tiết của Nhà nước theo pháp luật. Triệt để thực hiện nguyên tắc kinh tế tư nhân được tham gia hoạt động và phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
Cần có chiến dịch truyền thông liên tục và kéo dài về kinh tế tư nhân về sự đóng góp to lớn của khu vực kinh tế tư nhân trong xây dựng và phát triển kinh tế cho đến nay trong phạm vi toàn quốc; đặc biệt nhấn mạnh đến việc tạo việc làm, tạo thu nhập, đóng góp vào thu ngân sách.
Truyền thông những đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân, doanh nhân trong phát triển kinh tế của một số địa phương điển hình thông qua các dự án đầu tư của doanh nghiệp tư nhân như ở Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Quốc, Lào Cai và nhiều địa phương khác. Những dự án điển hình làm giàu, làm đẹp cho những vùng đất từng nghèo đói, lạc hậu và kém phát triển như các dự án du lịch Phú Quốc, khu công nghiệp, khu kinh tế ở Quảng Nam, Quảng Ngãi…
Những doanh nhân điển hình với đóng góp đa dạng dưới nhiều hình thức, quy mô đối với sự phát triển của đất nước. Những tấm gương doanh nhân vượt khó và khát khao cống hiến cho sự phát triển đất nước.
Nguồn lực từ nhân dân, trong nhân dân và tiềm năng đổi mới, sáng tạo không giới hạn cùng với sự linh hoạt của doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân… sẽ được huy động, tạo ra năng lượng mới, nguồn lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Khi nghị quyết mở ra không gian và cơ hội cho sự phát triển từ đó đóng góp không giới hạn của kinh tế tư nhân.
Cần chia sẻ, đồng cảm xã hội đối với những rủi ro, những trường hợp không may thất bại trong đầu tư kinh doanh của doanh nhân…
Xoá bỏ định kiến xã hội cho rằng các doanh nghiệp tư nhân lớn lên được, trở thành tỷ phú là nhờ kinh doanh bất động sản, lấy đất của nông dân… bằng cách truyền thông về những đóng góp của các doanh nghiệp này đối với sự phát triển đất nước; họ đang thay đổi, cải tổ, chuyển hướng đầu tư kinh doanh sang phát triển các ngành ưu tiên của quốc gia. Một số doanh nghiệp, như VinFast, đã tiên phong trong chuyển đổi xanh, cạnh tranh mạnh mẽ với các doanh nghiệp cùng ngành có lịch sử phát triển hàng trăm năm,…
Có các hình thức khen thưởng, thể hiện sự tôn vinh, tôn trọng, ghi nhận sự đóng góp của doanh nhân nói chung và các doanh nhân tiêu biểu, điển hình nói riêng.
Thay đổi thái độ, cách thức làm việc của tất cả công chức, viên chức theo hướng phục vụ, đồng hành và trở thành đối tác cùng xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Xóa bỏ rào cản pháp lý, tháo bỏ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, tạo “đột phá của đột phá” cho phát triển kinh tế tư nhân; góp phần xây dựng thể chế kinh tế Việt Nam thành nhân tố nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tháo bỏ điểm nghẽn về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, trước hết là đầu tư xây dựng. Rà soát các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng (đầu tư, môi trường, phòng cháy, chữa cháy, cấp và thoát nước, xây dựng), bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, không phù hợp, các thủ tục trùng lắp, chồng chéo nhau...
Đồng thời, tích hợp tất cả các thủ tục còn lại vào một thủ tục duy nhất là “cấp phép xây dựng”, và thực hiện (i) không quá 1 tuần làm việc đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; (ii) không quá 4 tuần làm việc đối với các dự án đầu tư khác.
Tháo bỏ điểm nghẽn trong các quy định pháp luật về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh tương ứng. Cần nhận thức rõ ràng các điều kiện kinh doanh về bản chất là rào cản, hạn chế gia nhập thị trường. Quy định về điều kiện kinh doanh càng nhiều càng gây cản trở, hạn chế lớn đối với cạnh tranh lành mạnh, đổi mới sáng tạo và phát triển đối với khu vực kinh tế tư nhân nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Thực hiện chương trình “cách mạng” triệt để về tinh giản các quy định pháp luật, minh bạch hoá, số hoá và tự động hoá các quy trình, thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác trên cơ sở ứng dụng rộng rãi công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, để: (i) Xóa bỏ sự chống chéo không thống nhất, mâu thuẫn trong quy định của các luật có liên quan đến phát triển khu vực kinh tế tư nhân; (ii) Đơn giản hóa và minh bạch hóa các quy trình, thủ tục hành chính; cắt giảm mạnh các điều kiện kinh doanh không cần thiết (30%); giảm chi phí kinh doanh (30%), chi phí tuân thủ, chi phí không chính thức; giảm thời gian thực hiện các thủ tục (30%)…; (iii) Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, tránh trùng lắp; (iv) Xây dựng cơ chế tham vấn, đối thoại thường xuyên, liên tục rà soát để tháo gỡ các điểm nghẽn…Tất cả những điều đó sẽ giúp khích lệ, tạo cảm hứng, gia tăng sự tin tưởng, khát vọng vươn lên và hành động mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Về tiếp cận đất đai, thực hiện một số giải pháp (có thể sửa đổi Luật Đất đai, nếu cần thiết): Giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với nhà đầu tư đã mua, thu gom để thực hiện dự án đầu tư; Ngoài các cụm công nghiệp, xây dựng các khu công nghiệp với chi phí thuê đất hợp lý, chấp nhận được, chuyên cho các nhà đầu tư tư nhân thuê sử dụng để thực hiện các dự án đầu tư phát triển.
Về tiếp cận vốn, ngoài các chương trình tín dụng và các hỗ trợ khác của nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần nghiên cứu, thành lập các quỹ đầu tư đa sở hữu sớm nhất có thể (đa dạng, nhiều cấp độ quốc gia, địa phương và huy động vốn cộng đồng), cung cấp các loại vốn (thiên thần, mạo hiểm, đầu tư dài hạn…) cho tổ chức kinh tế tư nhân đầu tư phát triển.
Về khoa học công nghệ và nghiên cứu phát triển, thực hiện kích cầu của doanh nghiệp về nghiên cứu phát triển và hỗ trợ nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp bằng các giải pháp sau:
(i) Nhà nước thông qua các quỹ khoa học công nghệ (quốc gia, ngành và địa phương) hỗ trợ doanh nghiệp mua công nghệ; thực hiện các sáng kiến, dự án nghiên cứu phát triển do doanh nghiệp đề xuất và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
(ii) Doanh nghiệp tự tài trợ một phần để thực hiện sáng kiến, dự án nghiên cứu phát triển nói trên; đồng thời tự nghiên cứu hoặc thuê tổ chức, chuyên gia nghiên cứu bên ngoài thực hiện.
(iii) Sản phẩm nghiên cứu thu được thuộc sở hữu của doanh nghiệp và được tự do sử dụng theo nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.
(iv) Tạo khung khổ pháp lý với những ưu đãi vượt trội nhằm khuyến khích doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức khác và cá nhân thành lập các Viện khoa học công nghệ chuyên nghiên cứu phát triển, tư vấn và chuyển giao công nghệ…
Chương trình khuyến khích minh bạch hóa, chính thức hóa hộ kinh doanh cá thể và chuyển đổi tự nguyện hộ cá thể thành doanh nghiệp theo hướng bỏ chế độ thuế khoán, đồng thời áp dụng nguyên tắc quản lý càng công khai, minh bạch và chính quy thì càng có lợi.
Chương trình khởi nghiệp, gồm cả khởi nghiệp sáng tạo và khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chiến lược và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài yêu cầu các doanh nghiệp FDI phải đảm bảo tỷ lệ kết nối tối thiểu với doanh nghiệp tư nhân trong nước trong chuỗi cung ứng của họ.
Chương trình huy động và khuyến khích doanh nghiệp quy mô lớn thực hiện chiến lược phát triển các ngành kinh tế quan trọng (công nghiệp bán dẫn, AI, công nghiệp nền tảng, công nghiệp công nghệ số…), các dự án lớn, quan trọng quốc gia, gồm các dự án nghiên cứu phát triển công nghệ cốt lõi; Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn đầu tư mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài, qua đó cạnh tranh, xâm nhập thị trường nước ngoài để từng bước trở thành tập đoàn kinh tế quy mô khu vực và toàn cầu.
Chương trình đào tạo và nâng cao trình độ kiến thức cho doanh nhân, người quản lý doanh nghiệp về quản trị doanh nghiệp, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, hội nhập và cạnh tranh quốc tế, văn hóa doanh nhân và trách nhiệm xã hội doanh nghiệp…
Chương trình phát triển kinh tế tư nhân, nhất là trụ cột phát triển doanh nghiệp dân tộc quy mô lớn, phải gắn với xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển của đất nước.
Bằng cách đó, các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn mới có định hướng phát triển rõ ràng, dài hạn. Từ đó khơi dậy, phát huy được sức sáng tạo và khát khao cống hiến của giới doanh nhân, đồng thời huy động và tập trung được nguồn lực quốc gia cho phát triển đất nước.
Giao cho các doanh nghiệp tư nhân lớn thực hiện các chương trình, đề án về trung tâm tài chính quốc tế, khu vực, các khu thương mại tự do tại một số địa phương, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn... Trong đó:
1/ Huy động nguồn lực tư nhân và có cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai ngay Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
2/ Giao doanh nghiệp Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng; xây dựng khu thương mại tự do, khu kinh tế biên giới tại một số địa phương trọng điểm về kinh tế như Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai...
3/ Cho phép doanh nghiệp ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng khẩn trương xây dựng, triển khai hiệu quả cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới đã được Quốc hội cho phép áp dụng.
1/ Xây dựng tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn
2/ Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng cho doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn (thông qua việc lựa chọn nhà thầu/nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt để thực hiện các nhiệm vụ, dự án trọng điểm của quốc gia).
3/ Xây dựng luồng xanh trong thủ tục đầu tư nhằm giảm thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực: ngành công nghiệp sản xuất ô tô, ngành công nghiệp đường sắt tốc độ cao, điện gió ngoài khơi, công nghiệp bán dẫn, lĩnh vực ngành nghề xanh….)
4/ Xây dựng nhóm chính sách đặc biệt cho các doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn trong một số ngành/lĩnh vực.