Bài liên quan |
EU công bố 'kế hoạch mạnh mẽ' để trả đũa thuế quan của Mỹ |
Thuế quan của Mỹ đe dọa gây rối loạn ngành vận tải biển toàn cầu |
![]() |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại buổi họp báo. |
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2025 của Bộ Tài chính vào chiều ngày 3/4/2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Việt Nam đã chủ động rà soát các mức thuế nhập khẩu, đặc biệt là hàng nhập khẩu từ Mỹ, nhằm tiến tới cân bằng thương mại giữa hai quốc gia. Theo ông Chi, thuế suất mà phía Mỹ công bố sáng cùng ngày là mức tối đa dự kiến áp dụng, nhưng lộ trình cụ thể và từng mặt hàng bị ảnh hưởng vẫn chưa được xác định. Cuối tuần này, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam sẽ sang Mỹ làm việc, thể hiện sự kiên trì tìm kiếm giải pháp và thúc đẩy đối thoại để đạt được sự cân bằng phù hợp.
Liên quan đến mức thuế đối ứng mà Mỹ dự kiến áp dụng từ ngày 9/4/2025, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Chính sách Thuế, phí và lệ phí, cho rằng đây không hoàn toàn xuất phát từ các yếu tố thuế thuần túy. Do đó, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tích cực tìm hiểu nguyên nhân và phân tích tình hình để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 73/2025, theo đó giảm thuế suất nhập khẩu đối với 16 nhóm mặt hàng. Đây được xem là nỗ lực lớn của Việt Nam trong việc cân bằng thương mại với các đối tác chiến lược toàn diện, đặc biệt là Mỹ. Khi xây dựng Nghị định 73, Bộ Tài chính đã rà soát các loại thuế liên quan như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt để đảm bảo mức thuế nhập khẩu hợp lý và có lợi cho cân bằng thương mại. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ công bố không đơn thuần xuất phát từ chính sách thuế, mà có thể liên quan đến các yếu tố khác. Vì vậy, cần phân tích kỹ để tìm ra phương án đối phó hiệu quả.
Theo đánh giá sơ bộ, các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn vào thị trường Mỹ như linh kiện điện tử, dệt may, da giày, gỗ và thủy sản sẽ chịu tác động mạnh từ mức thuế mới. Trong bối cảnh chênh lệch bình quân giữa thuế suất nhập khẩu MFN của Việt Nam và Mỹ không quá cao, các biện pháp ứng phó phi thuế quan sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực và duy trì tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đang tiếp tục tìm kiếm các giải pháp trước mắt, trong đó mục tiêu quan trọng là hướng đến cân bằng thương mại theo hướng phát triển bền vững. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh: "Chúng ta cần kiên trì tìm ra các giải pháp, trao đổi và chia sẻ với đối tác Mỹ để hướng tới cân bằng thương mại, đảm bảo lợi ích của cả hai nền kinh tế và người tiêu dùng hai nước."