![]() |
Toàn cảnh Hội thảo “Một số bất cập trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp” diễn ra sáng ngày 27/3 |
Những bất cập trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thuốc thú y. Việc sửa đổi các quy định không còn phù hợp là yêu cầu cấp thiết để thúc đẩy sản xuất trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và nông dân.
Tại Hội thảo “Một số bất cập trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp” diễn ra sáng ngày 27/3 do Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức, nhiều đại biểu đã nêu rõ các vướng mắc trong thực thi luật.
![]() |
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam |
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, nhấn mạnh quy định về công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa đang tạo gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp và người dân. Quy định này yêu cầu hàng hóa nhập khẩu phải có dấu hợp quy và công bố hợp quy, trong khi thực tế các nước khác không áp dụng yêu cầu này. Điều này khiến doanh nghiệp nhập khẩu phải chịu thêm chi phí và thời gian kiểm định, làm giảm cơ hội kinh doanh và tăng giá thành sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam, cũng cho rằng việc công bố hợp quy đối với thuốc thú y xuất khẩu là không cần thiết. Hiện tại, Việt Nam xuất khẩu thuốc thú y sang hơn 40 quốc gia nhưng không nước nào yêu cầu chứng nhận hợp quy từ Việt Nam. Điều này gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước khi cạnh tranh với các đối thủ quốc tế.
Ngoài ra, ông Trần Đại Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, cho rằng việc bắt buộc khảo nghiệm phân bón đang làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, gây khó khăn cho nông dân và làm chậm quá trình đưa sản phẩm mới ra thị trường. Hiện nay, để một loại phân bón mới có thể lưu hành, doanh nghiệp phải chờ khảo nghiệm tối thiểu 2 năm, gây mất cơ hội kinh doanh khi thị trường có nhu cầu. Do đó, cần sửa đổi Quy chuẩn quốc gia về chất lượng phân bón QCVN 01-189:2019/BNNPTNT để phù hợp hơn với thực tế.
Cũng tại hội thảo, theo đại diện Công ty Cổ phần SOP Phú Mỹ thông tin, Việt Nam hiện có khoảng 790 cơ sở sản xuất phân bón vô cơ và hữu cơ, với sản lượng hàng năm hơn 20 triệu tấn. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng phân bón trong nước chỉ khoảng 10,5 - 11 triệu tấn/năm, trong đó các loại phân bón chủ lực gồm:
Ure: 1,6 - 1,8 triệu tấn
DAP: 0,9 - 1 triệu tấn
SA: 0,8 - 0,9 triệu tấn
Kali: 0,9 - 1 triệu tấn
Phân chứa lân: trên 1,2 triệu tấn
Phân NPK: khoảng 3,8 - 4 triệu tấn
"Những con số này cho thấy ngành phân bón Việt Nam có dư địa lớn để phát triển xuất khẩu. Tuy nhiên, các quy định về kiểm định và công bố hợp quy đang khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế. Nếu không có sự thay đổi trong chính sách, ngành phân bón trong nước sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh và bị tụt hậu so với các nước khác", đại diện SOP Phú Mỹ cho biết.
![]() |
TS. Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký - Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo |
Chia sẻ về chính sách hỗ trợ ngành nông nghiệp, TS. Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký - Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thông tin: "Trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã có nhiều quyết sách quan trọng để hỗ trợ ngành nông nghiệp, trong đó có việc thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón thay vì miễn thuế như trước đây. Đây là bước tiến quan trọng giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón được hoàn thuế đầu vào, giảm giá thành sản phẩm, hỗ trợ nông dân. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh: “Gỡ điểm nghẽn thể chế để không lỡ thời cơ phát triển”. Thực hiện chỉ đạo này, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để rà soát và tháo gỡ các rào cản về thể chế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh".
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật là hai đạo luật có tác động sâu rộng, chi phối gần như toàn bộ điều kiện sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, việc sửa đổi các luật này sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất và gia tăng giá trị thương hiệu của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Dự kiến, trong tháng 5 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sửa đổi) và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật (sửa đổi). Đây được xem là cơ hội quan trọng để Việt Nam có một khung pháp lý hoàn thiện hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người nông dân, đồng thời nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa nông sản trên thị trường.
Việc sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật là cần thiết để tháo gỡ các rào cản đang kìm hãm sự phát triển của ngành nông nghiệp, đặc biệt là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y. Chính sách hợp lý không chỉ giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tăng cường năng lực cạnh tranh mà còn mang lại lợi ích trực tiếp cho người nông dân. Với quyết tâm của Quốc hội và các cơ quan chức năng, hy vọng rằng những thay đổi trong thời gian tới sẽ mở ra cơ hội phát triển mới, nâng cao vị thế của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.