![]() |
“Khơi thông” động lực khoa học công nghệ và kinh tế số giúp Việt Nam phát triển bền vững |
Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt đồng thời với hai thách thức lớn là già hóa dân số và nguy cơ tụt hậu công nghệ, các chuyên gia cho rằng, việc thúc đẩy khoa học công nghệ và phát triển kinh tế số trở thành yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Tại phiên tọa đàm Hội thảo “Các động lực cho tăng trưởng cao bền vững kinh tế Việt Nam 2025 và giai đoạn 2026 – 2030” diễn ra mới đây, Thạc sĩ Lê Thạch Anh từ Đại học Indiana, Mỹ, nhấn mạnh rằng để phát triển khoa học công nghệ, cần hành động quyết liệt, chỉ bàn làm chứ không bàn lùi.
Ông cho rằng hiện nay, Việt Nam đang gặp vướng mắc lớn trong cơ chế tài chính dành cho khoa học công nghệ, khi phần lớn các nghiên cứu vẫn phụ thuộc vào vốn ngân sách và ít có khả năng thương mại hóa. Nhiều sản phẩm khoa học sau khi hoàn thành vẫn “nằm im một chỗ” vì không có thị trường tiêu thụ, thiếu liên kết với doanh nghiệp, và không phát huy được ứng dụng trong đời sống.
![]() |
Thạc sĩ Lê Thạch Anh từ Đại học Indiana, Mỹ |
Vì vậy, theo Thạc sĩ Lê Thạch An, cần nhanh chóng xây dựng một thị trường khoa học công nghệ đúng nghĩa, nơi các viện nghiên cứu, trường đại học có quyền thành lập doanh nghiệp hoặc pháp nhân để thương mại hóa sản phẩm của mình. Khi đó, doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận, mua lại và ứng dụng các công nghệ này vào sản xuất, kinh doanh.
Một điểm nhấn đáng chú ý trong Nghị quyết 57 ban hành mới đây về phát triển khoa học công nghệ là cho phép chấp nhận rủi ro trong đầu tư – điều mà ông Thạch Anh cho là mang tính đột phá.
“Không thể kỳ vọng đầu tư 100 đồng phải thu về đủ 100 đồng trong lĩnh vực này. Đầu tư cho khoa học công nghệ đôi khi phải chấp nhận lỗ nhiều năm, thậm chí là mất trắng, nhất là với các startup công nghệ. Nhưng nếu trong 10 dự án mà thành công 1 dự án và có một kỳ lân xuất hiện thì đã quá thành công rồi. Đấy là điều mà tôi nghĩ nhà nước phải chấp nhận rủi ro khi đầu tư vào khoa học công nghệ",Thạc sĩ Lê Thạch An chia sẻ. |
Ngoài ra, cũng theo ông Thạch Anh, cần phải xác định được ngành công nghệ chiến lược. Ông nhận định: "Để xác định được ngành công nghệ chiến lược chúng ta phải cần xét đến 3 yếu tố. Thứ nhất là chúng ta phải xác định được Việt Nam đang có cái gì, xây dựng được hệ sơ đồ khoa học công nghệ đang ở đâu trên bản đồ thế giới. Thứ hai là chúng ta phải xác định được thế giới cần cái gì, tương lai cần cái gì. Thứ ba là xác định được ngành này đã có ai thống trị chưa, nếu đã có rồi chúng ta phải đi vào ngách, đi vào chuỗi để tìm được ngành nào đó có liên quan và đầu tư trọng điểm vào ngành đó. Đây cũng là bài học của Đài Loan ( Trung Quốc), điển hình là của TSMC trong ngành bán dẫn".
Ngoài việc thúc đẩy khoa học công nghệ, phát triển kinh tế số cũng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm hướng tới một Việt Nam phát triển bền vững. Cũng trong phiên tọa đạm tại Hội thảo “Các động lực cho tăng trưởng cao bền vững kinh tế Việt Nam 2025 và giai đoạn 2026 – 2030”, ông Trần Phong Lãm – Giám đốc Khối Chính phủ của FPT IS – nhận định rằng kinh tế số là xu thế tất yếu và sẽ trở thành động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng trong những năm tới. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024, kinh tế số đã đóng góp hơn 18% GDP và được kỳ vọng sẽ sớm vượt mốc 20% trong thời gian tới.
![]() |
Ông Trần Phong Lãm – Giám đốc Khối Chính phủ của FPT IS |
Muốn đạt được điều đó, trước tiên cần tập trung phát triển hạ tầng công nghệ, đặc biệt là phủ sóng 5G toàn diện và sớm đưa vào hoạt động các trung tâm dữ liệu quốc gia. “FPT hiện đang tham gia dự án Trung tâm Dữ liệu quốc gia, dự kiến khai trương vào năm 2025. Đây sẽ là cú hích lớn cho cả hạ tầng công nghệ lẫn năng lực xử lý dữ liệu của chính phủ và doanh nghiệp”, ông Lãm chia sẻ.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu sạch, dữ liệu sống trong phát triển kinh tế số. Nếu không có dữ liệu, thì tất cả những lời nói về AI, machine learning, hay trung tâm dữ liệu chỉ là sáo rỗng. Do đó, việc Chính phủ quyết liệt triển khai Luật Dữ liệu và xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia – từ bảo hiểm, tài chính đến an ninh xã hội – sẽ là nền tảng để phát triển các dịch vụ số hiệu quả.
Đồng thời, ông Lãm đưa ra 5 đề xuất về mặt chính sách. Thứ nhất là phải cơ chế sandbox để tạo nguồn thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới. Thứ hai, về vốn đầu tư công, trong lĩnh vực khoa học công nghệ đặc biết đến chuyển đổi số đang rất ít. Ông Lãm mong muốn có một cơ chế để khuyến khích nguồn lực tư nhân vào tham gia. Thứ ba, đối với doanh nghiệp startup công nghệ họ có sẵn nguồn lực, chất xám, họ cần nguồn vốn đầu tư ban đầu, đặc biệt là cần dữ liệu. Cho nên cần đẩy mạnh trung tâm đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là mô hình để các doanh nghiệp startup vào khai thác và sau đó tạo ra các sản phẩm giá trị. Điểm thứ tư liên quan đến chính sách cho doanh nghiệp tư nhân. Khi doanh nghiệp tư nhân ra có chất xám, có giải pháp nhưng lại bỡ ngỡ về quản trị thì Nhà nước có thể cung cấp cho họ những nền tảng về quản trị như hóa đơn điện tử, như hệ thống kế toán,..Thứ năm, Chính phủ cũng nên xem xét chính sách thuế thu nhập cá nhân để thúc đẩy lĩnh vực khoa học công nghệ, qua đó khuyến khích đội ngũ nhân lực chất lượng cao cống hiến và sáng tạo.
Ngoài các đề xuất về mặt chính xách, ông Lãm đề xuất nên thành lập sàn giao dịch dữ liệu Việt Nam, giống như các sàn hàng hóa hiện nay, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận dữ liệu đã được xử lý, từ đó tạo thêm động lực phát triển cho nền kinh tế số.
Nhìn chung, việc thúc đẩy khoa học công nghệ và phát triển kinh tế số hiện nay đang đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu. Thông qua cải thiện cơ chế tài chính, xây dựng thị trường khoa học công nghệ, phát triển hạ tầng số và đào tạo nguồn nhân lực, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.