![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân vào ngày 2/4 vừa qua. |
Trong những năm gần đây, kinh tế tư nhân đã khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Theo số liệu thống kê, khu vực này đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước và tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế. Đây là một lực lượng kinh tế chủ chốt, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo.
Tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân vào ngày 2/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh rằng, kinh tế tư nhân không chỉ là một thành phần quan trọng mà cần được xem là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng. Thủ tướng yêu cầu tạo bước đột phá mạnh mẽ, vượt qua những rào cản cũ, đồng thời lựa chọn chính xác các “đòn bẩy” có tính khả thi để khơi thông nguồn lực của khu vực tư nhân
Chia sẻ quan điểm với Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập về chiến lược phát triển kinh tế tư nhân, TS.Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: " Tôi rất hoan nghênh chiến lược này vì tính đổi mới và sự khuyến khích dành cho khu vực kinh tế tư nhân. Tôi xin lưu ý là Mỹ là nền kinh tế lớn nhất và có nền khoa học công nghệ phát triển tiên tiến nhất mà họ lại không có không có một doanh nghiệp nhà nước nào. Vì vậy theo tôi, cần phải mở rộng hơn nữa kinh tế tư nhân để họ tham gia và phải để cho kinh tế tư nhân lớn mạnh lên".
Nhận diện những rào cản và giải pháp đột phá
Mặc dù đã có những đóng góp to lớn, kinh tế tư nhân hiện nay vẫn đối mặt với nhiều rào cản. Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân cũng đã từng chỉ ra rằng nhận thức về vị trí, vai trò của khu vực này vẫn chưa đầy đủ; thể chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập; quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản chưa được bảo đảm đầy đủ. Nhiều doanh nghiệp tư nhân còn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao.
![]() |
TS.Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương trao đổi với Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập |
Nhìn nhận về rào cản đối với khu vực kinh tế tư nhân, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh thêm rằng, một trong những rào cản lớn hiện nay là cơ chế đề bạt cán bộ lãnh đạo. Ông cho rằng Việt Nam cần có cách tiếp cận cởi mở hơn về xuất thân của cán bộ, điều này sẽ giúp thu hút nhân tài và nâng cao năng lực cạnh tranh.
"Ở Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình thậm chí còn tuyển những người Hoa ở nước ngoài về làm bộ trưởng hay làm tổng giám đốc các tập đoàn lớn mà họ đâu có lung lay nền kinh tế. Cho nên tôi nghĩ cần tiếp tục đổi mới hơn nữa", TS. Lê Đăng Doanh cho biết. |
Bên cạnh công cuộc đổi mới, TS. Lê Đăng Doanh cũng đề cập đến vấn đề minh bạch tài chính như một yếu tố quan trọng để nâng cao niềm tin của doanh nghiệp. Ông nêu ví dụ về Thụy Điển và Hàn Quốc – hai quốc gia đã xây dựng hệ thống công khai tài chính nhà nước minh bạch, từ thu - chi của cơ quan nhà nước đến các khoản chi tiêu của chính phủ. Nếu Việt Nam áp dụng mô hình này, doanh nghiệp tư nhân sẽ có thêm niềm tin vào chính sách và yên tâm đầu tư dài hạn.
"Tôi có thể nêu điển hình cụ thể như, khi Thủ tướng Thụy Điển tham dự các cuộc họp tại Liên Hiệp Quốc, mọi chi phí như vé máy bay, tiền khách sạn hay chi phí cho các bữa tiệc chiêu đãi đều được công khai trên trang thống kê. Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết, mọi chi phí của Đại sứ quán, bao gồm cả các bữa tiệc, đều phải được báo cáo và thống kê đầy đủ. Nếu chúng ta truy cập trang web của Bộ Tài chính Thụy Điển, sẽ thấy các báo cáo này lên tới hàng nghìn trang, trong khi ở châu Á, Hàn Quốc cũng thực hiện tương tự với số lượng trang tương đương. Do đó, tôi nghĩ Việt Nam có thể học hỏi mô hình này để tăng cường tính minh bạch", TS. Lê Đăng Doanh chia sẻ. |
Tạo động lực và truyền cảm hứng cho kinh tế tư nhân
Một trong những cam kết quan trọng tại phiên họp Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân vào ngày 2/4 còn phải kể đến việc bảo đảm quyền tài sản, quyền sở hữu và quyền tự do kinh doanh rộng nhất có thể cho khu vực tư nhân. Ban Chỉ đạo cũng khẳng định, chắc chắn sẽ không còn tình trạng một số cán bộ gây khó dễ, nhũng nhiễu, làm việc theo kiểu “ban phát, ban ơn” với doanh nghiệp. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện theo hướng minh bạch, công bằng hơn, tạo động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, cũng trong phiên họp ngày 2/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cần phải mạnh dạn, tin tưởng giao việc khó cho khối doanh nghiệp tư nhân. Ông nhấn mạnh việc cần có cơ chế để doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các công trình trọng điểm quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và an ninh. “ Phải tin tưởng vào kinh tế tư nhân tạo động lực, truyền cảm hứng cho kinh tế tư nhân, khuyến khích mọi người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh”, Thủ tướng nói.
![]() |
Kinh tế tư nhân không chỉ là một thành phần quan trọng mà cần được xem là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng. |
Trao đổi với Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, TS. Lê Đăng Doanh cũng đề xuất thêm, cần có chính sách hỗ trợ công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Ông cho rằng trong khi doanh nghiệp FDI nhận được nhiều ưu đãi thì doanh nghiệp nội địa lại gặp không ít rào cản về vốn, đất đai và chính sách thuế. “Các doanh nghiệp FDI có lợi nhuận sẽ chuyển vốn về nước, trong khi doanh nghiệp Việt Nam nếu được hỗ trợ tốt sẽ phát triển bền vững và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế,” ông phân tích.
Bên cạnh đó, TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cần tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là cơ hội, thách thức và cũng là con đường sống còn của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Nhìn lại quá trình phát triển của kinh tế tư nhân tại Việt Nam, từ chỗ không được thừa nhận trong nền kinh tế, đến năm 1986 được chính thức ghi nhận, và nay được định hướng là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng, có thể thấy sự thay đổi tích cực từ chính sách và nhận thức.
Với sự cam kết của Chính phủ, sự hỗ trợ của chính sách và tinh thần đổi mới mạnh mẽ, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam được kỳ vọng sẽ có đầy đủ điều kiện để phát triển vững vàng trong thời gian tới. Doanh nghiệp tư nhân sẽ còn không chỉ là trụ cột của nền kinh tế, mà còn đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra việc làm, nâng cao năng lực sản xuất và góp phần xây dựng một Việt Nam thịnh vượng.