Bài liên quan |
Cục Thuế yêu cầu kiểm tra, thực hiện gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô sản xuất trong nước |
Cục Thuế lưu ý nhiều vấn đề khi hoàn thuế thu nhập cá nhân online |
Tại Tọa đàm “Ứng phó thuế đối ứng của Mỹ” sáng ngày 8/4, đại diện Cục Thuế, Bộ Tài chính – ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng – đã đưa ra những phân tích cụ thể về mức độ ảnh hưởng của chính sách áp thuế 46% mà Mỹ vừa công bố đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh đến tác động sâu rộng lên từng nhóm ngành xuất khẩu chủ lực.
Theo ông Sơn, chính sách thuế mới của Mỹ có khả năng tạo ra hiệu ứng dây chuyền, ảnh hưởng không chỉ đến các doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu mà còn lan tỏa đến toàn bộ chuỗi cung ứng, từ nhà cung cấp nguyên liệu đến đơn vị logistics và người lao động. Trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 119 tỷ USD, trong đó riêng 10 nhóm ngành hàng chủ lực đã chiếm hơn 98 tỷ USD – tương đương 82% tổng kim ngạch. Sự phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ khiến những biến động về thuế quan có thể gây ra những cú sốc đáng kể cho cả nền kinh tế.
![]() |
Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế |
Ông Sơn đặc biệt lưu ý đến một số ngành chịu tác động trực diện và nghiêm trọng. Ngành thủy sản, với các doanh nghiệp tập trung chủ yếu tại khu vực Tây Nam Bộ, đang đối mặt với nguy cơ giảm mạnh đơn hàng và phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Ngành điện tử – vốn có tỷ trọng xuất khẩu cao và phần lớn do doanh nghiệp FDI chi phối – sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến các địa phương như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng. Sản xuất máy móc thiết bị, với trung tâm là Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương, cũng sẽ bị ảnh hưởng do chi phí đầu vào tăng và rủi ro đơn hàng giảm.
Không chỉ ở lĩnh vực công nghiệp, chính sách thuế còn gây sức ép lên khu vực nông nghiệp, khi các tỉnh Tây Nguyên và Tây Bắc vốn phụ thuộc vào xuất khẩu nông sản sang Mỹ sẽ gặp khó trong việc tiêu thụ. Ngành dệt may – một trong những ngành sử dụng nhiều lao động nhất – cũng được dự báo chịu thiệt hại nặng, nhất là tại các địa phương như Nam Định, Hưng Yên, Bình Dương và Đồng Nai. Theo đại diện Cục Thuế, thực tế đã có doanh nghiệp FDI phải hủy lô hàng ngay tại cảng do không kịp điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu sau khi thuế được áp dụng.
Tác động từ thuế quan không chỉ giới hạn ở việc giảm doanh thu xuất khẩu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là từ khối FDI vốn đang chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu. Ước tính, riêng 10 nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực sang Mỹ đã đóng góp khoảng 77.200 tỷ đồng, tương đương 3,8% tổng thu ngân sách nhà nước. Việc xuất khẩu chững lại sẽ khiến nguồn thu này suy giảm, kéo theo áp lực lên cán cân tài khóa.
Ngoài ra, việc đồng USD tăng giá do chính sách thuế mới có thể dẫn đến sự mất cân đối về tỷ giá, gây khó khăn cho hoạt động nhập khẩu nguyên vật liệu của doanh nghiệp trong nước. Điều này khiến chi phí đầu vào tăng, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và ảnh hưởng tiêu cực đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
Trước tình hình này, ông Mai Sơn cho biết ngành thuế đã sớm có sự chuẩn bị từ đầu năm, chủ động xây dựng các kịch bản phản ứng và phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Song song đó, cơ quan thuế cũng đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp FDI, nhất là trong vấn đề chuyển giá, hoàn thuế và hoạt động trung chuyển hàng hóa nhằm tránh gian lận thương mại. Các biện pháp này không chỉ nhằm bảo vệ nguồn thu ngân sách mà còn đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh trong bối cảnh nhiều biến động.