Phát biểu tại họp báo công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á - tháng 4 năm 2025, ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, hiện còn quá sớm để ước tính cụ thể tác động từ việc Mỹ áp thuế đối ứng với Việt Nam.
Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á - tháng 4 năm 2025 cho biết, nền kinh tế khu vực châu Á đang đối mặt với nhiều bất định do tình hình kinh tế toàn cầu diễn biến nhanh chóng. Việt Nam đã có một năm 2024 rất thành công với sự phục hồi kinh tế ấn tượng. Tăng trưởng đã phục hồi lên mức 7,1%, từ mức 5,1% của năm 2023.
![]() |
ADB tổ chức họp báo công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á - tháng 4 năm 2025. |
Dự báo, tăng trưởng của Việt Nam sẽ tiếp tục đạt kết quả tích cực phù hợp với xu hướng trước đó, dù lạm phát được dự báo sẽ tăng nhẹ. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo đạt 6,6% trong năm 2025 và 6,5% trong năm 2026.
Tuy nhiên, theo ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhấn mạnh: “Dự báo này của ADB được hoàn thiện trước khi Mỹ công bố các biện pháp áp thuế vào đầu tháng 4. Do diễn biến này còn đang tiếp diễn, hiện tại còn quá sớm để chúng tôi đưa ra ước tính cụ thể về tác động của nó đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”.
Về định tính, môi trường kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, bị ảnh hưởng đáng kể bởi các tuyên bố mới đây của Mỹ liên quan đến thuế quan và căng thẳng địa chính trị có thể sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong ngắn và trung hạn.
Đồng thời, những bất định bên ngoài như leo thang thuế quan, các biện pháp trả đũa, cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài, bất ổn tại Trung Đông, cùng với sự giảm tốc của kinh tế Mỹ và Trung Quốc - hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam - có thể làm gia tăng tác động tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
“Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều cải cách thể chế toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả quản trị và thúc đẩy tăng trưởng. Chúng tôi tin rằng nếu các cải cách sâu rộng này được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn”, ông Shantanu Chakraborty nói.
Báo cáo của ADB cũng nhấn mạnh sự cấp thiết đối với Việt Nam trong việc nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu (GVC). Khi cục diện kinh tế toàn cầu thay đổi, vai trò của Việt Nam trong GVC cũng đang chuyển biến.
Việc hiểu rõ những thách thức và hạn chế trong việc tham gia hiệu quả vào GVC là yếu tố then chốt để đánh giá quỹ đạo tăng trưởng và tiềm năng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam. GVC có sự tham gia của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam mang lại cơ hội đa dạng hóa nhu cầu bên ngoài trong bối cảnh thị trường xuất khẩu bị siết chặt.
Các biện pháp thuế quan được Mỹ công bố ngày 2/4 có thể sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2025 và 2026. Duy trì ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh cho nhóm dễ bị tổn thương và bảo vệ việc làm vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với Chính phủ Việt Nam.
“Việc kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đến cuối năm 2026 là bước đi tích cực, tuy nhiên, Việt Nam cũng có thể cân nhắc thêm các biện pháp như cắt giảm thuế thu nhập, phí và tăng chi tiêu xã hội. Bên cạnh đó, các cải cách cơ cấu sâu hơn nhằm giảm bớt gánh nặng pháp lý đối với doanh nghiệp và người dân sẽ hỗ trợ tăng trưởng dài hạn”, báo cáo của ADB khuyến nghị.