Tại buổi Họp báo thường kỳ quý I/2025, Bộ Công Thương đã thông tin tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 3 tháng đầu năm 2025. Cụ thể, lũy kế quý I/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 202,5 tỷ USD, ước tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 102,8 tỷ USD, ước tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 99,68 tỷ USD, ước tăng 17% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu cho thấy hoạt động sản xuất trong nước đang khởi sắc, với nhu cầu nguyên liệu, linh kiện, máy móc phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu tăng mạnh; Cán cân thương mại 3 tháng đầu năm 2025 tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư, ước xuất siêu 3,15 tỷ USD.
Trong quý I/2025, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước đạt 29 tỷ USD, ước tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng 9% của khối doanh nghiệp FDI (ước đạt 73,8 tỷ USD), cho thấy nội lực của khối doanh nghiệp trong nước đang dần được nâng cao.
Xuất khẩu ở cả nhóm hàng nông, thủy sản và công nghiệp chế biến tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, ước đạt mức hai con số so với cùng kỳ năm trước.
![]() |
Ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp |
Ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp nhận định, tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới cũng như tốc độ tăng trưởng của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam sẽ tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam.
Chưa kể, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, ngày càng hội nhập sâu và tham gia sâu vào chuỗi gia trị gia tăng trên thế giới, do vậy, Việt Nam không thể tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của những biến động từ bên ngoài trong bối cảnh rủi ro, thách thức còn rất lớn đối với triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2025.
Năm 2025, kinh tế thế giới dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều yếu tố phức tạp và khó dự đoán hơn, đặc biệt là những bất định về thương mại gia tăng (theo WB dự báo, tăng trưởng toàn cầu sẽ ổn định ở mức 2,7% trong giai đoạn 2025-2026, tương tự như năm 2024 trong điều kiện bất định về thương mại gia tăng. Còn theo Liên Hợp Quốc (UN), tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ duy trì ở mức 2,8% vào năm 2025, không thay đổi so với năm 2024, bị kìm hãm bởi hai nền kinh tế hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc.
Kế hoạch phát triển của ngành Công Thương năm 2025 được xây dựng trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen, khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, kinh tế và thương mại toàn cầu dự báo tiếp tục phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức và những yếu kém nội tại của nền kinh tế chậm được khắc phục, cụ thể như sau:
Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội trong bối cảnh biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới diễn ra phức tạp, nhiều khó khăn thách thức sẽ tiếp tục tạo ra những thuận lợi trong thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, các cải cách thể chế toàn diện và đầu tư công được kỳ vọng đem lại tác động sâu rộng và hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế năm 2025. Các tổ chức quốc tế đều dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2025. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt 506 tỷ USD trong năm 2025, đứng thứ 33 toàn cầu. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 6,8% vào năm 2025 và 6,5% vào năm 2026, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,7% trong năm 2025, với mức tăng 7,5% trong nửa đầu năm và 6,1% trong nửa cuối năm.
Thứ hai, xu hướng phát triển kinh tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ vừa tạo ra những thời cơ và cũng sẽ mang lại cả thách thức, đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với Việt Nam. Đặc biệt, với việc ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sẽ tạo ra những động lực tăng trưởng mới cho nền tế.
Thứ ba, kinh tế số, thương mại điện tử tiếp tục được quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy và được ứng dụng rộng rãi trong doanh nghiệp và cộng đồng, tạo động lực mạnh mẽ hơn thúc đẩy xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa trên thị trường nội địa, đặc biệt là hàng hóa nông sản, thực phẩm. Công tác phòng vệ thương mại và công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ sản xuất trong nước.
Thứ tư, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, phức tạp và khó lường, thể hiện qua việc tham gia và triển khai các cam kết kinh tế quốc tế tạo ra những cơ hội đối với sản xuất công nghiệp và thương mại của nước ta, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường, đối tác với thuế quan ưu đãi, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Các hiệp định FTA đã ký với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam sẽ tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu... sẽ là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này, từ đó tạo động lực đối với tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025. Tuy nhiên, với nền kinh tế có độ mở cao, ngày càng hội nhập sâu và tham gia sâu vào chuỗi gia trị gia tăng trên thế giới, Việt Nam không thể tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của những biến động từ bên ngoài trong bối cảnh rủi ro, thách thức còn rất lớn đối với triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2025.
Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là bám sát tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.