Trình bày tóm tắt tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn trong nước và quốc tế thì việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam là hết sức cần thiết. Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị chỉ thành lập 1 trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, đặt tại 2 nơi là TP.HCM và Đà Nẵng chứ không lập 2 trung tâm độc lập tại 2 thành phố.
![]() |
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tóm tắt tờ trình của Chính phủ. |
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: “thống kê trên thế giới hiện nay có khoảng 121 trung tâm tài chính và trong đó, số gọi là trung tâm tài chính mà thành công thì dưới 10”.Tuy nhiên, phân định này chỉ là tương đối, quyền lựa chọn là của nhà đầu tư ông đề nghị rút kinh nghiệm từ các khu kinh tế mở ra nhưng không có nhà đầu tư chiến lược, "vẽ ra rất lớn nhưng nhà đầu tư không đến, thành ra mênh mông đất nhưng bao năm nay để hoang".
Bộ trưởng Thắng giải thích, sau quá trình khảo sát thực tế, Chính phủ nhận thấy việc xây dựng 2 trung tâm tài chính quy mô, tầm cỡ khác nhau tại 2 thành phố có thể hiệu quả không cao, khả năng thành công thấp, nhất là trong bối cảnh mô hình này hoàn toàn mới ở Việt Nam.
![]() |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam. |
Do đó, ông Thắng cho biết, Chính phủ thống nhất sẽ trình lại cấp có thẩm quyền, trong đó xác định Việt Nam chỉ có 1 trung tâm tài chính quốc tế, với 1 khung chính sách duy nhất và được đặt tại TPHCM, Đà Nẵng.
Chẳng hạn, TPHCM sẽ tập trung vào phát triển thị trường vốn, ngân hàng quốc tế, dịch vụ tài chính, chuỗi khu vực,… Còn Đà Nẵng sẽ tập trung vào tài chính xanh, fintech, quản lý quỹ khu vực gắn với khu thương mại tự do ở Đà Nẵng.
Dự thảo nghị quyết này dự kiến gồm 6 Chương và 36 Điều quy định một số thủ tục hành chính cần thiết để thực thi các cơ chế, chính sách đặc thù trong việc vận hành, phát triển TTTCQT.
![]() |
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hoà Bình; việc xây dựng 1 trung tâm tài chính quốc tế nhưng đặt ở 2 thành phố với định hướng hoạt động khác nhau là phù hợp thực tế. |
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh, quy mô kinh tế Việt Nam hiện khiêm tốn, nếu cùng lúc xây dựng 2 trung tâm tài chính quốc tế và khu vực ở 2 nơi sẽ "không phù hợp thực tế, khó tồn tại".
Vì thế, việc xây dựng 1 trung tâm tài chính quốc tế nhưng đặt ở 2 thành phố với định hướng hoạt động khác nhau là phù hợp thực tế, và đảm bảo các nơi này phát triển, không cạnh tranh lẫn nhau.
Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình giải thích thêm, khi ông đi nước ngoài thì người ta rất ngỡ ngàng vì sao Việt Nam lại làm tới 2 trung tâm tài chính. Nền kinh tế lớn như Trung Quốc chỉ có 1 trung tâm tài chính là Thượng Hải hay cả khu vực ASEAN chỉ có trung tâm tài chính của Singapore.
![]() |
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải góp ý tại kỳ họp. |
Góp ý tại kỳ họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, đề án trung tâm tài chính quốc tế đang thiếu định lượng và mô hình cụ thể. Thực tế việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế hay khu thương mại tự do đều phải có nhà đầu tư chiến lược.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhìn nhận việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam còn "quá mới, khó". Ông đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ các nhóm chính sách tại dự thảo nghị quyết đủ cơ sở pháp lý để hình thành, vận hành trung tâm tài chính quốc tế, cũng như thu hút nhà đầu tư hay chưa.
Chính phủ cũng cần làm rõ mô hình, tính độc lập của hai cơ sở trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng. Cơ chế phối hợp giữa hai nơi này ra sao để bổ trợ lẫn nhau, đem lại hiệu quả, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.
Dự thảo Nghị quyết về trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp 9 vào tháng 5 tới.