GS.TS Lê Anh Tuấn: Muốn Việt Nam bứt phá, phải đầu tư đúng vào công nghệ cốt lõi TS. Hoàng Việt Hà: Bán dẫn và AI “trụ cột” đưa Việt Nam bứt phá |
Trong bối cảnh thế giới bước vào cuộc đua công nghệ toàn cầu, Việt Nam đã và đang được kỳ vọng trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn. Theo ông Đỗ Tiến Thịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), để nắm bắt cơ hội lịch sử này, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược phát triển ngành bán dẫn mang bản sắc riêng, từ đào tạo nhân lực đến kết nối quốc tế.
Ông Thịnh nhấn mạnh, bán dẫn là ngành công nghiệp lõi của công nghệ thông tin, đóng vai trò cốt lõi trong mọi sản phẩm điện tử, từ điện thoại, máy tính, đến xe điện, thiết bị y tế và quốc phòng. Sự phát triển của ngành này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn tác động đến an ninh quốc gia và khả năng làm chủ công nghệ.
"Muốn phát triển kinh tế, xã hội, thậm chí bảo vệ an ninh quốc gia trong thời đại mới, một đất nước nhất định phải làm chủ được công nghệ. Và ngành bán dẫn chính là chìa khóa," ông Đỗ Tiến Thịnh chia sẻ.
![]() |
Ông Đỗ Tiến Thịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) (Ảnh: Phan Chính). |
Trong thời gian qua, Việt Nam liên tục được Hoa Kỳ xác định là quốc gia có tiềm năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất chip toàn cầu. Đây là cơ hội chưa từng có, giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ hiện đại, đẩy mạnh chuyển giao và hợp tác chiến lược với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Intel, Amkor, Samsung, Nvidia...
Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, Việt Nam cần xây dựng hướng đi riêng thay vì chỉ là trung tâm lắp ráp gia công. Theo ông Thịnh, điều đó đòi hỏi từ chính sách nhà nước đến chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực cần có sự đầu tư bài bản, đồng bộ và dài hạn.
Một trong những điểm mạnh được ông Đỗ Tiến Thịnh nhấn mạnh chính là nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và thông minh. Việt Nam có lực lượng kỹ sư công nghệ cao đang không ngừng tăng lên, được đào tạo trong và ngoài nước, với một chiến lược rõ ràng: "Đi để trở về".
“Chúng ta nên thúc đẩy đào tạo trong nước, sau đó cử đi học ở các quốc gia công nghệ phát triển, tích lũy kinh nghiệm thực chiến, rồi quay về để phát triển đất nước,” ông Thịnh nói.
Không chỉ thế, mức thu nhập trong ngành bán dẫn dự báo sẽ vượt trội so với ngành công nghệ thông tin truyền thống, tạo động lực lớn thu hút nhân tài. Đây sẽ là mảnh đất màu mỡ để nhân lực trẻ Việt Nam lựa chọn và phát triển lâu dài.
Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Việt Nam không thể đi một mình trong hành trình chinh phục ngành công nghiệp chip. Việc kết nối với các quốc gia đã phát triển ngành bán dẫn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… là vô cùng cần thiết để học hỏi, chuyển giao công nghệ, tiếp cận nguồn lực tài chính và hạ tầng.
Song song đó, Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn bài bản, gồm các trường đại học kỹ thuật, các trung tâm nghiên cứu – phát triển (R&D), vườn ươm khởi nghiệp công nghệ và doanh nghiệp sản xuất. Hệ sinh thái này cần được nhà nước hỗ trợ thông qua chính sách ưu đãi, hạ tầng kỹ thuật và môi trường đầu tư thông thoáng.
“Chúng ta không thể mãi đi sau. Đây là thời điểm vàng để bứt tốc, và nếu không tận dụng, cơ hội sẽ trôi qua như nhiều lần trước,” ông Thịnh thẳng thắn nhận định.
Tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ là cơ hội về công nghệ, mà còn là đòn bẩy lớn cho xuất khẩu, tăng trưởng GDP và thu hút vốn FDI chất lượng cao. Với khả năng cung cấp nhân lực trình độ cao và môi trường chính trị ổn định, Việt Nam hoàn toàn có thể đóng vai trò lớn hơn trong thị trường bán dẫn trị giá hàng nghìn tỷ USD toàn cầu.
“Không chỉ là gia công. Việt Nam có thể làm thiết kế chip, kiểm thử, phát triển phần mềm và thậm chí sáng chế. Đây là những khâu mang lại giá trị cao nhất trong chuỗi sản xuất,” ông Thịnh cho biết thêm.
Ông Đỗ Tiến Thịnh không chỉ đưa ra cảnh báo mà còn khơi gợi kỳ vọng về một tương lai nơi Việt Nam không chỉ nhập khẩu công nghệ, mà có thể làm chủ ngành công nghiệp bán dẫn – trụ cột của kỷ nguyên số. Với tư duy chiến lược và hành động quyết liệt, cánh cửa đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ mới của khu vực đang dần hé mở.