Ngày 17/4 tại Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới đã diễn ra Chương trình tọa đàm về "Chính sách đặc biệt để phát triển công nghệ chiến lược quốc gia". Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều đại biểu là Giáo sư, Phó giáo sư đứng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, việc định hình chiến lược phát triển công nghệ không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước mà còn cần sự chung tay từ các nhà khoa học hàng đầu.
![]() |
GS.TS Lê Anh Tuấn- Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội |
Trước hết, GS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng, công nghệ chiến lược là một khái niệm rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực then chốt. Trong đó, nổi bật là công nghệ chất bán dẫn – yếu tố cốt lõi cho sự phát triển của các thiết bị điện tử và vi mạch hiện đại. Việt Nam cần nhanh chóng thúc đẩy các nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này, tận dụng cơ hội thu hút đầu tư quốc tế, xây dựng năng lực tự chủ công nghệ trong tương lai.
Bên cạnh đó, công nghệ tự động hóa và robot cũng được ông đánh giá cao, nhất là trong ứng dụng phòng chống dịch và hỗ trợ quản lý đô thị. Những công nghệ này không chỉ giúp tăng năng suất lao động mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc xây dựng các thành phố thông minh, thích ứng với xu thế đô thị hóa nhanh chóng.
Một nhóm công nghệ chiến lược khác là công nghệ quốc phòng phục vụ cho công tác xã hội và đảm bảo quốc phòng – an ninh. Trong bối cảnh an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, việc phát triển các công nghệ phục vụ quốc phòng nhưng có thể ứng dụng rộng rãi trong dân sự là xu hướng tất yếu.
Không thể không nhắc đến công nghệ sinh học và vi sinh, với ứng dụng to lớn trong nông nghiệp công nghệ cao. Việc lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu là nhiệm vụ sống còn đối với nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.
Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), GS.TS Lê Anh Tuấn đề cập đến nhu cầu cấp bách trong việc xây dựng một hệ sinh thái AI hoàn chỉnh, từ đào tạo nhân lực đến phát triển sản phẩm và thị trường. AI không chỉ là công nghệ, mà là chìa khóa mở ra cánh cửa mới cho mọi lĩnh vực: y tế, giáo dục, tài chính, giao thông...
Công nghệ an ninh mạng cũng được ông nhấn mạnh là “không thể thiếu” trong thời kỳ chuyển đổi số. Bảo mật thông tin không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế số và chính phủ điện tử.
Bên cạnh đó, GS.TS Lê Anh Tuấn cũng chỉ rõ sự cần thiết của việc xây dựng các cơ chế chiến lược tại địa phương, đặc biệt là Hà Nội – nơi có hàng trăm trường đại học và là trung tâm trí tuệ lớn của cả nước. Việc tận dụng nguồn lực tri thức này sẽ giúp Hà Nội trở thành đầu tàu đổi mới sáng tạo.
Ông cũng cho rằng, để triển khai hiệu quả các chương trình nghiên cứu chiến lược, cần có cơ chế huy động nguồn lực một cách linh hoạt, bao gồm cả nhân lực và ngân sách.