Chỉ thị số 10/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành ngày 25/3/2025 yêu cầu phải thực hiện quyết liệt mục tiêu phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách nhanh chóng, bền vững, tăng trưởng về số lượng, chất lượng, quy mô, hiệu quả hoạt động và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế; phấn đấu từ nay đến năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp.
Số liệu thống kê cho thấy, vào đầu năm 2025 cả nước có hơn 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động, bên cạnh đó là gần 30.000 hợp tác xã cùng hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đây là sự phát triển vượt bậc nếu so với số đơn vị hoạt động cách đây 20 năm (năm 2004) 92.000 doanh nghiệp.
Trong tháng 1/2025 hơn 33.400 doanh nghiệp được thành lập mới hoặc quay trở lại hoạt động, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó gần 10.700 cơ sở đăng ký thành lập mới với tổng số vốn khoảng 94.100 tỷ đồng và tổng số lao động hơn 81.500 lao động. Đáng chú ý, có gần 98% số doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa với tổng nguồn vốn là 16,6 triệu tỷ đồng, tức gần 30% tổng nguồn vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Với tỷ trọng lớn như vậy, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò rất quan trọng với nền kinh tế.
![]() |
"Tiếp sức" nâng cao cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa |
Vừa qua, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Quyết định về việc ban hành kế hoạch của ngành Công Thương thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dự thảo này nêu rõ, kế hoạch này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt ít nhất 8%.
Theo dự thảo, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trực thuộc, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc triển khai phải tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", đảm bảo hiệu quả, thiết thực.
Bộ Công Thương đặt trọng tâm vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật và cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Cụ thể, Cục Công nghiệp chủ trì xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, dự kiến trình Chính phủ trong quý II/2025. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nghiên cứu, xây dựng Luật Thương mại điện tử, đồng thời đẩy mạnh phát triển Chính phủ số để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công nhanh chóng. Văn phòng Bộ sẽ tập trung cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý hồ sơ trong năm 2025.
Song song đó, Bộ Công Thương tập trung phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cục Xuất nhập khẩu chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, ứng dụng công nghệ thông minh để tối ưu hóa vận chuyển và giảm chi phí logistics. Cục Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và khuyến công triển khai Chương trình khuyến công quốc gia, hỗ trợ nâng cấp hạ tầng cụm công nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng sản xuất với chi phí thấp. Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước ưu tiên nâng cấp hạ tầng thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào hệ thống phân phối hiện đại.
Ngoài ra, dự thảo Quyết định về việc Ban hành kế hoạch của ngành Công Thương thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ của Bộ Công Thương cũng chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và tham gia chuỗi giá trị.
Theo đó, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước phối hợp với Cục Công nghiệp để thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất trong nước và các kênh phân phối hiện đại. Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại và Vụ Thị trường nước ngoài tăng cường cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, tránh các rào cản thương mại. Cục Xúc tiến thương mại triển khai Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường quốc tế. Vụ Chính sách thương mại đa biên đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất, tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới, kết nối với các nền tảng quốc tế như Amazon, Alibaba, eBay. Cục Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và khuyến công triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và bán lẻ. Cục Công nghiệp tổ chức kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa với các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Toyota, giúp doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận kênh bán lẻ hiện đại, tham gia các hệ thống siêu thị lớn như Co.opmart, WinMart...