Siêu đô thị với hơn 14 triệu dân đang bước vào một kỷ nguyên phát triển hạ tầng giao thông chưa từng có trong lịch sử. Sau quá trình sáp nhập, thành phố không chỉ phình to về mặt địa lý mà còn trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế, kéo theo nhu cầu cấp thiết về một hệ thống giao thông hiện đại, kết nối và bền vững.
TP. Hồ Chí Minh sau sáp nhập không chỉ đơn thuần là một thành phố lớn hơn. Đó là một "siêu đô thị" với tiềm năng kinh tế khổng lồ, sự đa dạng về văn hóa và xã hội, cùng với những thách thức chưa từng có về quản lý và phát triển. Người dân thành phố đang kỳ vọng vào những thay đổi mang tính đột phá, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông, để giải quyết bài toán ùn tắc, ô nhiễm và nâng cao chất lượng cuộc sống.
![]() |
Sáp nhập TP. Hồ Chí Minh hàng loạt các dự án cao tốc nối liền liên vùng. |
Theo các chuyên gia nhận định, việc Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sáp nhập vào TP. Hồ Chí Minh sẽ tạo ra một vùng kinh tế năng động, đa dạng và có tính hỗ trợ lẫn nhau. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh đóng vai trò là trung tâm kinh tế, tài chính và dịch vụ; Bình Dương là thủ phủ công nghiệp với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng; còn Bà Rịa - Vũng Tàu lại sở hữu lợi thế về du lịch và công nghiệp cảng biển.
Để khai thác tối đa tiềm năng này, TP. Hồ Chí Minh đang tăng tốc mở đường, với một viễn cảnh đầy hứa hẹn về hệ thống metro kết nối liền mạch cả ba địa phương. Điều này không chỉ giảm áp lực giao thông mà còn mở ra những cơ hội mới để phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện.
Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch của Ngo Viet Architects & Planners, chuyên gia quy hoạch đô thị, đã từng nhấn mạnh sự cần thiết của một tuyến metro "xuyên tâm liên vùng" kết nối TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuyến metro này không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối sân bay Long Thành, tạo ra một hệ thống giao thông công cộng đồng bộ và hiện đại.
![]() |
Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch của Ngo Viet Architects & Planners, chuyên gia quy hoạch đô thị. |
Hơn 14 triệu dân đang đặt kỳ vọng vào mạng lưới đường sắt đô thị đang được quy hoạch, với mục tiêu rút ngắn thời gian di chuyển và tăng cường kết nối giữa các đô thị vệ tinh. Về việc này, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Xây dựng tiếp tục rà soát, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục và phê duyệt các dự án đường sắt đô thị, đồng thời tích hợp hiệu quả với các loại hình giao thông khác như đường bộ, đường thủy và xe buýt.
Theo quy hoạch hiện tại, TP. Hồ Chí Minh có 12 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 510 km, Bình Dương có 12 tuyến với khoảng 305 km, trong khi Bà Rịa - Vũng Tàu có 3 tuyến với 125 km. Như vậy, sau khi mở rộng địa giới hành chính, TP. Hồ Chí Minh mới sẽ sở hữu gần 1.000 km đường sắt đô thị.
Chưa dừng lại ở đó, các tuyến đường sắt quốc gia đang được trung ương triển khai hoặc sẽ điều chỉnh quy định để giao cho địa phương thực hiện. TP. Hồ Chí Minh cũng đang xúc tiến các thủ tục để đầu tư công đồng loạt 7 tuyến, với tổng chiều dài 355 km, dự kiến hoàn thành trong vòng 10 năm tới theo Nghị quyết 188.
Đối với 2 tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP. Hồ Chí Minh với Cần Giờ và Thủ Thiêm - Long Thành, Thành phố đang xúc tiến triển khai theo hình thức đầu tư tư nhân. Trong đó, Cần Giờ có tiềm năng trở thành ga trung tâm mới, kết nối với các tuyến metro từ miền Tây đi lên, mở ra không gian liên kết vùng mạnh mẽ.
Về hướng kết nối với Bình Dương, dự án metro số 1 từ Thành phố mới Bình Dương đến Suối Tiên (TP. Thủ Đức) đang được ưu tiên triển khai và chờ Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định chủ trương đầu tư. Ngoài ra, nhiều tuyến metro khác giữa 2 địa phương đã được thiết kế đấu nối tại 2 đầu mối quan trọng là TP. Thủ Đức và huyện Củ Chi (cũ).
Đối với hướng kết nối TP. Hồ Chí Minh với Bà Rịa - Vũng Tàu, tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành đóng vai trò cầu nối giữa sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành. Dự án này cũng đang được TP. Hồ Chí Minh tích cực xúc tiến. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng định hướng xây dựng tuyến metro số 3, dự kiến kéo dài Vũng Tàu - Bà Rịa - Phú Mỹ, đồng thời tính đến phương án kết nối sân bay Long Thành.
![]() |
Hơn 14 triệu dân đang đặt kỳ vọng vào mạng lưới đường sắt đô thị đang được quy hoạch. |
TP. Hồ Chí Minh hiện hữu đang tích cực tăng tốc triển khai hàng loạt dự án cầu đường với quy mô lớn, nhằm xây dựng mạng lưới giao thông kết nối liên vùng. Cụ thể, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, các đoạn khép kín đường Vành đai 2 đang triển khai; đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh hiện đã bước vào giai đoạn nước rút, dự kiến thông xe kỹ thuật cuối năm nay và hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026; đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh đã được trình chủ trương đầu tư, hướng tới khởi công vào năm sau.
Ngoài ra, Thành phố cũng đang chuẩn bị cho 12 dự án quan trọng khác nhằm đồng loạt khởi công trong năm 2026, bao gồm cầu đường Bình Tiên, 4 dự án BOT mở rộng quốc lộ 1, 13, 22 và đường trục Bắc - Nam. Các đoạn đường dẫn nối cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành, 2 đoạn đường dẫn cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (Bình Thuận - Chợ Đệm, Tân Tạo - Chợ Đệm) và đoạn đường dẫn từ nút giao Gò Dưa (đường Vành đai 2 TP. Hồ Chí Minh) nối cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành cũng nằm trong kế hoạch hoàn thiện mạng lưới liên kết vùng.
Không dừng lại ở đó, TP. Hồ Chí Minh đang tính toán thêm khoảng 10 tuyến giao thông tốc độ cao xuyên tâm, kết nối trực tiếp với các tuyến vành đai và cao tốc. Các trục này sẽ được thiết kế ít giao cắt, ít đèn đỏ, nhằm đảm bảo dòng lưu thông liên tục từ trung tâm ra vùng ven và đi các tỉnh lân cận.
Theo các chuyên gia, TP. Hồ Chí Minh mới mở ra dư địa phát triển rất lớn. Việc đầu tư một hạ tầng đa phương tiện gồm đường sắt, đường bộ, đường thủy, metro, cảng biển, hàng không để kết nối trực tiếp 3 địa phương này với nhau là vô cùng cần thiết. Kết nối liên vùng chính là yếu tố then chốt, vì chỉ khi hạ tầng thông suốt thì tiềm lực ấy mới có thể được khai phá tối đa, đưa TP. Hồ Chí Minh vươn lên một tầm cao mới.