TTC AgriS bền bỉ kiến tạo và đổi mới
Với quyết tâm trở thành “ngọn cờ đầu” dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số, trong buổi làm việc với lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) mới đây, Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC AgriS) đã đưa ra nhiều ý tưởng giúp các thành viên của VINASME nhanh chóng chuyển đổi số, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế.
![]() |
Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tại buổi làm việc với Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC AgriS). Ảnh: Ban Mai |
Bà Đặng Huỳnh Ức My – Chủ tịch TTC AgriS - khẳng định, công ty đang tiến tới trở thành tâm điểm đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ của nông nghiệp Việt Nam, nhằm xác lập vị thế vững mạnh tại Đông Nam Á và toàn cầu.
Theo đó, AgriS phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp thông minh tích hợp, mục tiêu là đa dạng hóa sản phẩm trên nền tảng công nghệ cao, mở rộng danh mục khai thác nông sản mía, dừa, chuối, lúa… đẩy mạnh chế biến sâu và phát triển các sản phẩm thực phẩm, đồ uống, sữa, bánh kẹo.
Để chuẩn bị cho tâm thế mới, TTC AgriS đã thực hiện hàng loạt quyết sách chiến lược, như: Đầu tư tập trung vào ngành cốt lõi nông nghiệp, đặt nghiên cứu và phát triển (R&D) làm mũi nhọn để phát triển với hệ thống các trung tâm R&D đa quốc gia Việt Nam, Úc, Singapore và Indonesia.
![]() |
Bà Đặng Huỳnh Ức My – Chủ tịch TTC AgriS chia sẻ sẵn sàng triển khai đề án số hóa cùng VINASME về hiện đại hóa SME. Ảnh: Ban Mai |
Với vị thế “Nhà cung cấp các giải pháp nông nghiệp công nghệ cao trên nền tảng số hóa và phát triển bền vững”, AgriS mong muốn triển khai đề án số hóa cùng VINASME về hiện đại hóa SME. Cụ thể, AgriS sẽ “Kiến tạo chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam hiện đại” với các chương trình sau: Xây dựng nền tảng dữ liệu nông nghiệp (App Agro); hình thành liên minh doanh nghiệp vệ tinh; mở rộng giá trị ra thị trường toàn cầu; triển khai nông nghiệp tuần hoàn – xanh – bền vững.
Với đề nghị của TTC AgriS, ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam – cho rằng, việc triển khai này sẽ giao Chi hội Nông nghiệp công nghệ cao của Hiệp hội làm, trong đó, TTC AgriS là “đầu tàu” thực hiện.
Sẵn sàng góp sức đưa SME lớn mạnh
Hiện số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại Việt Nam đang chiếm gần 98% trong tổng số hơn 940.000 doanh nghiệp trên cả nước. Với 5,3 triệu hộ kinh doanh, trong đó, khoảng 3,6 triệu hộ đang được quản lý thuế.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong kinh tế tư nhân diễn ra chậm, 65% doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có chiến lược ứng dụng công nghệ số; tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI thấp, chỉ ở mức trên 20%, số liệu từ Bộ Tài chính.
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho kinh tế tư nhân, Chính phủ triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành; hỗ trợ 1 triệu hộ kinh doanh cá thể chuyển lên doanh nghiệp, nhằm thực hiện Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, theo Đề án chuyển đổi số doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc giữa VINASME với TTC AgriS, các chuyên gia đặt câu hỏi: Chuyển đổi số từ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp thì bước đi thế nào? điều tra xem hộ kinh doanh cần phần mềm gì để thuận tiện chuyển đổi số nhanh và hiệu quả…
Theo đó, ông Hà Ngọc Sơn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và tư vấn doanh nghiệp vùng Đông Bắc (thuộc VINASEM) - đề nghị, TTC AgriS nghiên cứu sâu về nhu cầu chuyển đổi số thực tế của các hộ kinh doanh cá thể. Có thể xây dựng phần mềm riêng cho SME một cách rất đơn giản, vì nhiều hộ kinh doanh cá thể không thạo về công nghệ thông tin.
![]() |
Bà Nguyễn Lan Hương – Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập - cho rằng đề xuất của TTC AgriS là sự đóng góp thiết thực và hữu ích cho các thành viên của Hiệp hội. Ảnh: Ban Mai |
Ví von việc lan tỏa sức mạnh doanh nghiệp không chỉ ở tiềm lực, mà còn nhìn nhận ở sự lan tỏa của thương hiệu sản phẩm. Ở góc độ truyền thông, bà Nguyễn Lan Hương – Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập – cho rằng, sản phẩm của TTC AgriS quá tốt, chẳng hạn nước lọc hương mía, nước dừa tươi… nhưng tại sao đa số người tiêu dùng vẫn chưa tiếp cận nhiều và chưa là thói quen hằng ngày khi dùng. Đặc biệt, khi họ muốn dùng nước khoáng hay nước suối thì nghĩ ngay đến Lavie hay Aquafina…chứ không phải là TTC AgriS.
“Tôi rất mong khi TTC AgriS đã ra được ý tưởng rồi thì thực hiện được, lãnh đạo Hiệp hội rất ủng hộ, vì đây là việc đóng góp thiết thực và hữu ích cho các thành viên của Hiệp hội. Hãy đóng gói sản phẩm, có thể như một thuê bao trả tiền dịch vụ mỗi tháng, phần mềm đơn giản nhất, dễ hiểu nhất”, bà Hương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Tín – Trưởng Ban kiểm tra VINASME – cho biết, lãnh đạo Hiệp hội sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho TTC AgriS để triển khai thành công đề án chuyển đổi số cho cộng đồng SME.
Về phía TTC AgriS, ông Phan Minh Thành – Cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị AgriS - cho biết, thực tế tại các địa phương doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa hiểu nhiều, chưa chú ý nhiều đến kinh tế số. Do đó, Hiệp hội đặt ra mục tiêu giúp cho các thành viên thấy được việc cần thiết thực hiện kinh tế trong hoạt động sản xuất của mình là rất đúng đắn.
![]() |
Ông Phan Minh Thành – Cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị AgriS - cho biết thực tế tại các địa phương doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa hiểu nhiều về kinh tế số. Ảnh: Ban Mai |
Ông Thành cho rằng, TTC AgriS sẽ làm một đề án App Agro trình Hiệp hội xem xét tính khả thi, với vai trò doanh nghiệp tiên phong trong thực hiện kinh tế số, góp sức cùng Hiệp hội hướng dẫn SME thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số đã đề ra.
![]() |
Ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký VINASME đánh giá rất cao uy tín của AgriS. Ảnh: Ban Mai |
Ông Tô Hoài Nam đánh giá rất cao uy tín của AgriS. Ông Nam cho rằng, AgriS sẽ tạo được một app hiệu quả dành cho các thành viên của Hiệp hội trong chuyển đổi số.
“Với kinh nghiệm và năng lực đã được chứng minh qua thực tiễn, nếu 500 doanh nghiệp cùng thực hiện đúng quy trình hướng dẫn của App Agro kết quả cho ra sẽ là như nhau, thống nhất. Đây chính là chỉ số tin cậy giúp đề án lan tỏa thành công tới cộng đồng SME tốt nhất”, ông Nam nói.