![]() |
Sản xuất gỗ ghép thanh phục vụ xuất khẩu tại Công ty CP Gemmy Wood (Cụm công nghiệp Tân Phú) |
Những năm gần đây, khu vực KTTN trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (sau hợp nhất các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ cũ và Hòa Bình) có sự phát triển rõ nét, mở rộng quy mô, đa dạng loại hình và nâng cao chất lượng hoạt động. KTTN ngày càng đóng vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực then chốt như công nghiệp, dịch vụ, thương mại, xây dựng, chế biến nông - lâm - thủy sản.
Toàn tỉnh hiện có gần 11.000 doanh nghiệp và cơ sở kinh tế tư nhân đang hoạt động, chiếm hơn 95% tổng số doanh nghiệp, trong đó riêng khu vực Vĩnh Phúc cũ có hơn 8.000 doanh nghiệp. Khu vực KTTN đang tạo việc làm ổn định cho hàng trăm nghìn lao động, đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước. Giai đoạn 2017 - 2023, mức đóng góp ngân sách của khu vực này tại Vĩnh Phúc tăng từ 1.190 tỷ đồng (3,96%) lên hơn 1.700 tỷ đồng (5,62%). Lao động cũng tăng đều qua các năm, từ 191.000 người năm 2017 lên gần 220.000 người năm 2024.
Đáng chú ý, khu vực KTTN đã góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân toàn tỉnh sau sáp nhập đạt 10,09%, vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, Phú Thọ đạt 10,33% (xếp thứ 9/63 tỉnh, thành), Vĩnh Phúc 10,07% (thứ 10/63), và Hòa Bình 9,72% (thứ 13/63).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, khu vực KTTN tại Phú Thọ vẫn còn nhiều hạn chế: Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số, trong đó doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ lên tới 70%, quy mô vốn và trình độ công nghệ còn thấp. Năng suất lao động trong khu vực này chỉ đạt gần 100 triệu đồng/người/năm, thấp hơn nhiều so với khu vực doanh nghiệp nhà nước (hơn 400 triệu đồng) và doanh nghiệp FDI (hơn 350 triệu đồng/người/năm). Việc đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, tiếp cận tín dụng và đất đai vẫn là những rào cản lớn.
![]() |
Công ty cổ phần Tự động hóa DT Vina (xã Yên Lạc) |
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển KTTN trở thành trụ cột của nền kinh tế, tỉnh Phú Thọ đang triển khai nhiều giải pháp trọng tâm. Theo Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội, địa phương này xác định rõ: KTTN là lực lượng tiên phong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Tỉnh chú trọng cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và đối thoại doanh nghiệp – chính quyền để kịp thời tháo gỡ vướng mắc.
Mục tiêu đến năm 2030, khu vực KTTN đóng góp 62 - 65% GRDP và 50 - 60% tổng thu ngân sách của tỉnh; tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 10,5%/năm trở lên. Toàn tỉnh phấn đấu có 46.500 doanh nghiệp và hơn 100.000 hộ kinh doanh hoạt động; tỷ lệ giải quyết việc làm đạt 84 - 85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân 10 - 11%/năm; tốc độ tăng thu ngân sách từ khu vực KTTN đạt hơn 10%.
Tại hội thảo khoa học góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2025 - 2030, nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh, để bứt phá, tỉnh cần lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số và kinh tế tư nhân làm trụ cột tăng trưởng. Dự kiến đến năm 2030, kinh tế số sẽ chiếm trên 30% GRDP toàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, tỉnh tập trung vào ba đột phá chiến lược gồm: Hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, tiếp tục tiếp thu, tháo gỡ những điểm nghẽn của doanh nghiệp với tinh thần “tạo cơ chế - trao niềm tin - truyền cảm hứng”, để khu vực KTTN thực sự trở thành “động lực lan tỏa” cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ trong giai đoạn tới.