Cụ thể, trong quý II/2025, lượng kiều hối chuyển về qua các tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế trên địa bàn đạt gần 2,82 tỷ USD, tăng 16,9% so với quý I/2025 (2,41 tỷ USD) và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái (quý II/2024 đạt 2,31 tỷ USD). Đây là mức tăng trưởng mạnh trong nhiều năm trở lại đây.
Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Khu vực 2, bà Trần Thị Ngọc Liên - nhận định: “Lượng kiều hối chuyển về trong quý II năm nay tăng rõ rệt qua hệ thống các tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế, cho thấy niềm tin của kiều bào vào thị trường tài chính trong nước ngày càng được củng cố.”
![]() |
TP. Hồ Chí Minh đón hơn 5,2 tỷ USD kiều hối trong nửa đầu năm 2025 |
Xét theo khu vực địa lý, châu Á tiếp tục là thị trường đóng vai trò chủ lực trong dòng kiều hối về TP. Hồ Chí Minh, nhờ sự gia tăng từ các thị trường có đông lao động Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Đáng chú ý, châu Phi ghi nhận mức tăng trưởng kiều hối ấn tượng nhất, với mức tăng 130,8% so với cùng kỳ năm trước. Các khu vực khác cũng ghi nhận mức tăng tích cực: châu Âu tăng 16%, châu Mỹ tăng 11,9%, và châu Đại Dương tăng 8,9%.
Theo NHNN, dòng tiền kiều hối đều đặn qua các năm đã góp phần tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh, thúc đẩy tiêu dùng, gia tăng đầu tư và góp phần ổn định thị trường ngoại hối nhờ vào nguồn cung ngoại tệ bổ sung.
“Việc duy trì được tốc độ tăng trưởng dòng kiều hối trong bối cảnh thế giới còn nhiều biến động là tín hiệu tích cực, cho thấy mối liên kết chặt chẽ giữa kiều bào và quê hương vẫn được duy trì vững chắc,” bà Trần Thị Ngọc Liên nhấn mạnh.
Từ ngày 1/7/2025, NHNN chi nhánh Khu vực 2 được giao quản lý thêm các tỉnh lân cận gồm Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Bình Phước. Theo thống kê, lượng kiều hối chuyển về các tỉnh này trong 6 tháng đầu năm 2025 thông qua hệ thống tổ chức tín dụng đạt trên 127,5 triệu USD.
Trong đó, Bình Dương là địa phương nhận kiều hối nhiều nhất với hơn 53,2 triệu USD, tiếp theo là Đồng Nai (42,3 triệu USD), Bà Rịa - Vũng Tàu (27,2 triệu USD) và Bình Phước (4,6 triệu USD). Đáng lưu ý, do không có các tổ chức kinh tế trực tiếp thực hiện chức năng nhận và chi trả ngoại tệ, dòng kiều hối tại các địa phương này chủ yếu được chuyển qua hệ thống ngân hàng.