Khi các ngân hàng trung ương thuộc nhóm G7 vẫn đang loay hoay với việc số hóa đồng tiền, thậm chí ở Mỹ còn có lệnh cấm sử dụng tiền kỹ thuật số quốc gia (CBDC) thì Ấn Độ đã âm thầm vượt lên dẫn đầu. Năm 2023, hệ thống thanh toán tức thời (United Payments Interface - UPI) của nước này chiếm tới một nửa tổng số giao dịch theo thời gian thực trên toàn cầu.
![]() |
Tiền kỹ thuật số và bài toán khó của các ngân hàng trung ương |
Thành công của UPI không chỉ là một thắng lợi về công nghệ. Hệ thống này đã giải được nhiều bài toán mà các nền kinh tế phát triển vẫn đang bế tắc, từ xác thực danh tính kỹ thuật số, cân bằng vai trò giữa nhà nước và khu vực tư nhân trong hệ sinh thái thanh toán, đến bảo toàn vai trò then chốt của ngân hàng thương mại trong hệ thống tiền tệ. Tác động của UPI đến thu ngân sách, tài chính toàn diện và dân chủ hóa dịch vụ đầu tư đã rõ ràng, với số lượng người đăng ký quỹ mở tăng kỷ lục.
Trong khi đó, các nền kinh tế lớn ngoài G7 như Trung Quốc và Brazil, vốn đã triển khai nền tảng thanh toán số được nhà nước hậu thuẫn như e-CNY hay Pix, hiện lại không vội ứng dụng công nghệ sổ cái phân tán (DLT) vào hệ thống thanh toán quốc gia. Các dự án DLT xuyên biên giới vẫn đang chìm trong những cuộc tranh luận luẩn quẩn về quy định pháp lý, thanh khoản, biến động tỷ giá và khả năng tương thích hệ thống.
Tại Diễn đàn tiền kỹ thuật số 2025 do OMFIF tổ chức, các lãnh đạo ngân hàng trung ương thừa nhận DLT vẫn là một “hộp đen” khó vận hành. Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Brazil, ông Renato Gomes, gọi đây là “tam giác bất khả thi” giữa quyền riêng tư, khả năng mở rộng và tính lập trình. Trong nỗ lực phát triển nền tảng kế thừa Pix, ông thừa nhận khuôn khổ pháp lý hiện tại vẫn chưa tương thích với DLT và Brazil mong muốn tiếp cận công nghệ một cách “trung lập”.
Các ngân hàng trung ương đang thử nghiệm nhiều mô hình kết hợp DLT vào hệ thống thanh toán truyền thống. Ví dụ, dự án “Project Agora” - một nỗ lực kết nối các ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại qua một sổ cái thống nhất, vẫn đang loay hoay tìm đường. Một chuyên gia công nghệ tại hội nghị khẳng định: “Dự án này sẽ không thể hoạt động nếu chỉ dựa vào một mạng lưới duy nhất”. Kết quả thực tế có thể chỉ dừng lại ở việc cải thiện tiêu chuẩn dữ liệu trong hệ thống cũ.
Các ngân hàng thương mại cũng cho rằng DLT chưa thực sự mang lại cải tiến đột phá. Một đại diện từ ngân hàng lớn của Mỹ nhận xét rằng, giao dịch bằng stablecoin thực chất chỉ là “lách luật qua khe hở quản lý”.
Dù vậy, những thành công như Buna (hệ thống thanh toán xuyên biên giới của Trung Đông) cho thấy có thể tạo ra một “sổ cái thống nhất” giữa ngân hàng trung ương và thương mại nếu sử dụng mô hình tập trung, không cần đến DLT. Dựa trên nền tảng thanh toán thời gian thực hiện hữu và được hỗ trợ bởi Quỹ Tiền tệ Ả Rập, Buna là một ví dụ cho thấy đổi mới có thể đến từ cách tiếp cận thực tế thay vì theo đuổi lý tưởng công nghệ.
Trong khi các dự án của khu vực công còn đang dò đường, stablecoin như Tether hay USDC đã lan rộng. Dù còn tranh cãi về tính an toàn và khả năng giám sát, những đồng tiền số này đang thu hút người dùng, trở thành một lựa chọn thực tế cho thanh toán xuyên biên giới, một xu hướng đang được chính sách Mỹ thúc đẩy rõ rệt.
Bên cạnh đó, ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã chọn chiến lược “hai đường ray”. Ngân hàng Bundesbank của Đức đang xây dựng cầu nối giữa hệ thống thanh toán hiện tại (T2 RTGS) với token DLT, trong khi Ngân hàng Pháp triển khai nền tảng hoàn toàn mới để thanh toán tức thì bằng CBDC dạng token trong môi trường DLT thuần túy. Hai mô hình này được kỳ vọng sẽ cùng tồn tại trong một thời gian dài, khi hệ thống tài chính truyền thống vẫn chiếm ưu thế.
Nếu những mô hình này không sớm chứng minh được tính khả thi, hệ thống tài chính toàn cầu có thể sể phải học lại những nguyên lý cơ bản qua những bài học đắt giá. Một nhóm đại diện ngân hàng trung ương tại hội nghị đã kín đáo từ chối trả lời câu hỏi: Liệu họ có sẵn sàng "giải cứu" một hệ thống stablecoin nào đó nếu nó trở nên quá lớn và gây rủi ro hệ thống trong khủng hoảng tài chính kế tiếp?
Giải thích một số thuật ngữ trong bài: Tiền kỹ thuật số quốc gia (CBDC - Central Bank Digital Currency): Là tiền do ngân hàng trung ương phát hành dưới dạng số, có giá trị pháp lý như tiền mặt, nhằm hiện đại hóa hệ thống tiền tệ và thanh toán. Công nghệ sổ cái phân tán (DLT - Distributed Ledger Technology): Là công nghệ cho phép lưu trữ, chia sẻ và cập nhật dữ liệu trên nhiều máy tính cùng lúc, không cần trung gian, giúp tăng minh bạch và bảo mật. Blockchain (công nghệ chuỗi khối) là một dạng DLT. Stablecoin: Là loại tiền mã hóa (crypto) được gắn với giá trị ổn định (như USD, vàng) nhằm tránh biến động mạnh, thường dùng trong thanh toán và giao dịch tài chính phi tập trung. |