Lâu nay, vào dịp cuối năm, người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp...luôn mong chờ tiền thưởng Tết. Dù nhiều hay ít, tiền thưởng Tết không chỉ là thước đo sự cống hiến của người lao động sau một năm mà còn là sự trân trọng của lãnh đạo với những người hết lòng vì sự phát triển của đơn vị; là hành vi ứng xử văn hóa của bậc minh chủ. Cổ nhân có câu: “Một vạn tiền công không bằng một đồng tiền thưởng” là vậy.
Tuy nhiên, lâu nay, có nơi, việc thưởng Tết thiếu công bằng khiến nhiều nhân tố tích cực trong cơ quan, doanh nghiệp chưa được tôn vinh xứng đáng và sẽ có tác dụng ngược, kìm hãm sự phát triển.
Chuyện trong sách cổ kể rằng, dịp Tết, vua nước Lỗ không chia phần thịt cho Khổng Tử, Khổng Tử liền bỏ nước Lỗ mà đi. Khổng Tử từng nói “Miếng thịt không vuông - không ăn!”. Nhiều người hiểu lầm Khổng Tử vì tham miếng thịt mà bỏ cả Tổ quốc. Nhưng không phải vậy! Miếng thịt lúc đó là thước đo sự đánh giá, sự trân trọng của đế vương với bậc hiền tài. Nhà vua không chia phần thịt cho Khổng Tử tức là nhà vua không tôn trọng; không tin Khổng Tử nữa thì Khổng Tử còn ở lại với nước Lỗ làm gì! Khổng Tử nói “Miếng thịt không vuông - không ăn” là muốn đề cao sự công bằng, sự rạch ròi trong ứng xử, trong ăn chia.
Trở lại vấn đề thưởng Tết. Trước đây, hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp đều áp dụng hình thức thưởng Tết bằng tiền mặt cho cán bộ, công nhân viên, gọi là lương tháng 13, lương tháng 14... Nhiều doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn đã thưởng Tết cho người lao động bằng chính sản phẩm tồn kho của doanh nghiệp; thậm chí, có doanh nghiệp sản xuất gạch, thưởng cho người lao động bằng...gạch! Đã không ít chuyện chua xót khi Tết đến, người lao động mang về những thứ hàng hóa chẳng biết để làm gì! Việc thưởng Tết bằng tiền lương tháng của người lao động và bằng sản phẩm tồn đọng của doanh nghiệp đã nẩy sinh nhiều vấn đề bất cập; ảnh hưởng đến tư tưởng và đời sống của người lao động.
Từ 1/1/2021, Bộ Luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực, quy định (thay đổi hoặc bổ sung) nhiều điểm mới liên quan đến lương, thưởng của người lao động. Theo đó, thưởng Tết được hiểu là một phần quà (có thể là hiện vật hoặc tiền mặt) được lãnh đạo doanh nghiệp gửi đến người lao động như một sự tri ân và công nhận vì những đóng góp của họ vào sự phát triển chung của doanh nghiệp trong năm qua. Cụ thể, Điều 104 của Bộ luật quy định về Thưởng thay vì Tiền thưởng như Bộ luật Lao động 2012. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động, căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc, sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Như vậy, Bộ luật mới đã quy định rõ việc cho phép người sử dụng lao động có thể thưởng cho người lao động không chỉ bằng tiền, mà có thể bằng hiện vật như chính hàng hóa, dịch vụ của công ty; hoặc thưởng bằng các hình thức khác như phiếu mua hàng giảm giá, chuyến du lịch...
Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thiên tai, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đều bị tác động, khiến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm; gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tính toán và ra quyết định thưởng Tết sao cho phù hợp. Hi vọng rằng, với những điểm mới trong Bộ luật Lao động, 2019 về thưởng Tết, các doanh nghiệp sẽ quyết định thưởng hiện vật hay tài sản có giá trị-chứ không phải sản phẩm tồn kho!- cho người lao động. Đây là dịp để các doanh nghiệp không chỉ tri ân với người lao động, đảm bảo sự công bằng mà còn là cơ hội để kích cầu tiêu dùng, quảng bá thương hiệu hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp đến đông đảo người tiêu dùng./.
Cao Thâm