![]() |
Tổng thống Donald Trump có động thái mới gia tăng căng thẳng với Trung Quốc. |
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump vừa triển khai một loạt biện pháp nhắm vào Trung Quốc, liên quan đến đầu tư, thương mại và các vấn đề khác, làm gia tăng nguy cơ căng thẳng giữa Washington và đối thủ kinh tế hàng đầu của mình.
Trong những ngày gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành một bản ghi nhớ, chỉ đạo một ủy ban chính phủ quan trọng siết chặt kiểm soát các khoản đầu tư của Trung Quốc vào công nghệ, năng lượng và các lĩnh vực chiến lược khác tại Mỹ. Chính quyền của ông Trump cũng kêu gọi Mexico áp đặt thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, sau khi một số doanh nghiệp của Bắc Kinh chuyển sản xuất sang quốc gia láng giềng của Mỹ nhằm tránh né các mức thuế quan mà Tổng thống Mỹ đã áp dụng từ nhiệm kỳ đầu tiên.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đề xuất áp phí đối với việc sử dụng tàu thương mại sản xuất tại Trung Quốc nhằm đối phó với sự thống trị của Bắc Kinh trong ngành đóng tàu. Cổ phiếu vận tải biển Trung Quốc đã giảm điểm trong phiên giao dịch hôm thứ Hai (24/2), trong khi chỉ số CSI 300 giảm 0,2%. Đồng nhân dân tệ giao dịch trong nước đã tăng 0,1%, đạt mức 7,2480 CNY/USD vào lúc 16h21 tại Thượng Hải (15h21 giờ Hà Nội, ngày 24/2).
Những động thái này đánh dấu loạt biện pháp mạnh tay nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai, và có thể làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán nhằm giảm thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ – điều mà ông Trump từng bày tỏ mong muốn đạt được.
Bản ghi nhớ mới của Tổng thống Donald Trump yêu cầu Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) – cơ quan chuyên xem xét các thương vụ mua lại doanh nghiệp và bất động sản Mỹ của nhà đầu tư nước ngoài – thắt chặt kiểm soát trước các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Văn bản này gọi Bắc Kinh là “đối thủ nước ngoài” và nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ “các tài sản chiến lược của Mỹ”, bao gồm công nghệ, nguồn cung thực phẩm, đất nông nghiệp, khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên, cảng biển và các bến tàu.
Ông Martin Chorzempa, chuyên gia cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận định: “Đây có thể là một cú sốc đối với Bắc Kinh, khi Trung Quốc từng hy vọng có thể đề xuất các khoản đầu tư quy mô lớn vào Mỹ như một phần nhượng bộ trong đàm phán”.
Theo đó, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Bắc Mỹ đã giảm mạnh vào cuối năm ngoái, xuống dưới mức thấp nhất trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19. Xu hướng này phần nào phản ánh sự thận trọng của nhà đầu tư khi chờ đợi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2024. Những hạn chế mới từ chính quyền Tổng thống Trump sẽ càng tạo thêm rào cản cho bất kỳ sự phục hồi nào trong dòng vốn này.
Sau khi bản ghi nhớ được công bố, Bắc Kinh đã lên tiếng kêu gọi Washington ngừng “vũ khí hóa” các vấn đề kinh tế và thương mại. Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo rằng việc Mỹ thắt chặt kiểm soát đầu tư với lý do an ninh sẽ làm suy giảm lòng tin của doanh nghiệp Trung Quốc vào thị trường Mỹ.
Ngoài ra, bản ghi nhớ cũng yêu cầu xem xét lại hiệp định thuế song phương năm 1984 giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn giúp các cá nhân và doanh nghiệp tránh bị đánh thuế hai lần. “Nếu loại bỏ các hiệp định này, môi trường đầu tư sẽ trở nên bất ổn hơn vì các doanh nghiệp không thể xác định rõ họ sẽ bị đánh thuế như thế nào”, ông Chorzempa nhận định.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng hồi sinh vấn đề về các tiêu chuẩn kế toán áp dụng cho các công ty nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ như Alibaba và JD.com. Bản ghi nhớ nhấn mạnh rằng chính phủ Mỹ sẽ đảm bảo các quy định hiện hành được tuân thủ chặt chẽ.
Trước đó vào năm 2022, Washington và Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận về tiêu chuẩn kế toán, giúp tránh nguy cơ hủy niêm yết đối với các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông Winston Ma, giáo sư luật tại Đại học New York, chính quyền Mỹ sẽ siết chặt thực thi các quy định này hơn bao giờ hết.
Bản ghi nhớ cũng kêu gọi hạn chế các khoản đầu tư từ quỹ hưu trí và quỹ tài trợ của Mỹ vào các lĩnh vực công nghệ cao tại Trung Quốc, động thái có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng trí tuệ nhân tạo của nước này. UBS Group cảnh báo rằng điều này có thể tác động đến các doanh nghiệp phần cứng, phần mềm và internet tại Trung Quốc.
Ngoài ra, chính quyền của ông Trump cũng yêu cầu rà soát mô hình “thực thể có lợi ích biến đổi” (VIE) mà các công ty Trung Quốc sử dụng để niêm yết tại Mỹ, đồng thời cam kết điều tra “các cáo buộc gian lận” liên quan đến mô hình này.
Thực thể có lợi ích biến đổi (Variable Interest Entity - VIE) là một mô hình pháp lý mà các công ty Trung Quốc sử dụng để niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ mà không vi phạm quy định của Trung Quốc về sở hữu nước ngoài. Thay vì sở hữu trực tiếp, nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát công ty thông qua các hợp đồng kinh tế, cho phép họ hưởng lợi nhuận mà không có quyền sở hữu thực sự. |
Bản ghi nhớ của ông Donald Trump cũng đề xuất một kế hoạch áp phí đối với tàu chở hàng do Trung Quốc sản xuất, và yêu cầu một tỷ lệ hàng hóa xuất nhập khẩu của Mỹ phải được vận chuyển bằng tàu nội địa. Đây là kết quả từ cuộc điều tra về ngành đóng tàu, logistics và hàng hải của Trung Quốc, được khởi xướng dưới thời chính quyền của ông Joe Biden và hoàn tất ngay trước khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.
Theo đó, Trung Quốc hiện chiếm khoảng một nửa công suất đóng tàu toàn cầu, phần lớn nhờ nhu cầu nội địa. Theo nền tảng phân tích VesselsValue, đội tàu thương mại của Trung Quốc được định giá 255,2 tỷ USD vào tháng 1/2025, lớn nhất thế giới, trong khi Nhật Bản đứng thứ hai với 231,4 tỷ USD và Mỹ xếp thứ tư với 116,4 tỷ USD.
Cổ phiếu của Cosco Shipping Holdings – doanh nghiệp từng bị Bộ Quốc phòng Mỹ đưa vào danh sách đen vì cáo buộc có liên hệ với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc – đã giảm 4,6% tại Hồng Kông, trong khi cổ phiếu của Orient Overseas International giảm 3%.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lin Jian, đã lên tiếng chỉ trích đề xuất áp phí của Mỹ và kêu gọi Washington “tôn trọng luật pháp quốc tế và chấm dứt các hành động sai trái”.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tiếp tục leo thang khi Tổng thống Donald Trump thúc đẩy chấm dứt chiến tranh tại Ukraine. Tuần trước, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong đã bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về quyết định tăng thuế 10% mà chính quyền Tổng thống Mỹ áp đặt lên hàng hóa nước này.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đạt mốc 295 tỷ USD, hiện đang là một trong những mối lo hàng đầu của Washington. Dù vậy, ông Trump vẫn để ngỏ khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại mới với Bắc Kinh, dù trước đó ông đã đe dọa áp mức thuế lên tới 60% đối với hàng Trung Quốc – động thái có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho thương mại song phương.
Bên cạnh đó, việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump còn liên kết vấn đề thuế quan với cáo buộc Trung Quốc sản xuất tiền chất fentanyl – chất gây nghiện liên quan đến cuộc khủng hoảng opioid tại Mỹ – càng làm phức tạp thêm mối quan hệ song phương.
Với những động thái cứng rắn liên tiếp, ông Donald Trump có thể sẽ tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại sang Trung Quốc một khi cuộc chiến Ukraine kết thúc, làm gia tăng nguy cơ đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.