Tăng tốc cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh sẽ giúp Việt Nam tiếp tục là địa chỉ hấp dẫn nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Sản xuất máy in xuất khẩu tại Công ty Canon Việt Nam (Hà Nội). Ảnh: Viết Thành
Những tín hiệu khả quan
Trong tháng 1-2020, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài có sự khởi sắc, với tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh tăng vốn và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,33 tỷ USD, tăng 179,5% so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả giải ngân cũng đạt 1,6 tỷ USD, tăng 3,2%.
Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng, mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn dành cho Việt Nam sự quan tâm lớn. Trong đó, đáng chú ý, một tập đoàn lớn của Mỹ đang cân nhắc khả năng đăng ký dự án mới tại Việt Nam, với số vốn lên tới hàng tỷ USD. Bên cạnh đó, doanh nghiệp của một số nước khác cũng tới Việt Nam để tìm hiểu, nghiên cứu các dự án điện khí, hạ tầng.
Trong một diễn biến mới nhất, Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) vừa thông báo, 122 doanh nghiệp Nhật Bản quyết định di dời hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc và hơn 42% trong số này cho biết nơi được lựa chọn hàng đầu để thay thế là Việt Nam. Điều đó cho thấy, hoạt động tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam không bị gián đoạn.
Chia sẻ tín hiệu khả quan này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm dự báo, dịch Covid-19 có thể đẩy nhanh quá trình dịch chuyển cơ sở sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam để phân tán rủi ro và tận dụng chi phí sản xuất thấp.
Cùng với kết quả thu hút đầu tư từ đầu năm đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra các kịch bản thu hút đầu tư nước ngoài năm 2020 trong bối cảnh có dịch Covid-19. Cụ thể, nếu dịch kết thúc vào quý I, tổng vốn đầu tư nước ngoài là 38,6 tỷ USD; nếu kết thúc vào quý II con số này sẽ là 38,2 tỷ USD. Cả hai mức dự báo trên đều cao hơn kết quả năm 2019 là 38 tỷ USD và xấp xỉ mục tiêu 39,6 tỷ USD ban đầu (đề ra khi chưa có dịch Covid-19).
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam luôn cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư đến kinh doanh tại Việt Nam. Việt Nam tiếp tục chủ trương đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh để tăng sức cạnh tranh, tiếp tục là địa chỉ hấp dẫn nguồn vốn quốc tế.
Chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Viết Thành
Hiện, các bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài. Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì thông tin, tỉnh cam kết giải quyết nhanh các thủ tục hành chính về đầu tư theo cơ chế một cửa, giảm 30-50% thời gian so với quy định. Tỉnh cam kết thực hiện thanh - kiểm tra đúng quy định (không quá 1 lần/năm) cũng như tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trong vòng 5 ngày làm việc...
Là địa phương 2 năm liên tiếp (2018, 2019) dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng Hà Nội vẫn đặt mục tiêu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; cải cách hành chính; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch... Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Hà Nội luôn nhất quán quan điểm đồng hành cùng nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở lắng nghe, tiếp thu ý kiến để giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư; tìm hiểu nhu cầu cũng như kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, đặc điểm của Thủ đô. Trong đó, chú trọng thu hút đầu tư vào các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có sức lan tỏa và tiết kiệm năng lượng, mặt bằng… cũng như tận dụng tốt cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Mục tiêu là hướng tới những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phát huy nguồn lao động chất lượng cao trên địa bàn, góp phần đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa Thủ đô.
Về việc bù đắp những bất lợi do dịch Covid-19 gây ra, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, cần xác định việc cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều dư địa. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ Tài chính, Công Thương trong việc tăng cường quảng bá, tận dụng lợi thế khi Việt Nam thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU với thuế suất cho nhiều hàng hóa xuất xứ Việt Nam được hưởng thuế suất 0% để thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, trong bối cảnh một số nhà đầu tư cân nhắc việc chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, chúng ta cần siết chặt việc thẩm định dự án, kêu gọi những nhà đầu tư mạnh, dây chuyền sản xuất, công nghệ cao, có tính lan tỏa với doanh nghiệp nội địa. Đồng tình với quan điểm này, bà Lê Từ Cẩm Ly, Giám đốc Đối ngoại và Pháp lý của Công ty Cocacola Việt Nam chia sẻ, công ty kiên trì chủ trương hỗ trợ, nâng cao năng lực cho chuỗi giá trị trong nước, nâng tỷ lệ nội địa hóa. Hiện, 80% nhà cung cấp của đơn vị là doanh nghiệp Việt Nam.
Mới đây, tại phiên họp của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần không vì phòng, chống dịch Covid-19 mà ngừng trệ sản xuất, kinh doanh; ứng phó với tình hình khó khăn càng phải quyết tâm, phát huy tiềm năng, dư địa; kiên quyết, kiên trì hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng. Đặc biệt, Thủ tướng nhắc nhở cần tập trung chống “vi rút trì trệ” trong bộ máy quản lý, điều hành; đồng thời nhắn nhủ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp yên tâm vì Chính phủ sẽ có các kịch bản, chính sách phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng.
Với sự chủ động, vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương, việc thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2020 sẽ đạt kết quả khả quan.