Theo Vn Economy, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, thành tựu lớn nhất của chúng ta năm 2023 là giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cân đối lớn nền kinh tế trong đó cân đối lương thực ngoại tệ là hai cân đối quan trọng duy trì an sinh xã hội, từ đó có được đà tiếp theo cho phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta có nhiều điểm yếu mang tính cơ cấu.
Thứ nhất, là một nền kinh tế phân mảng với ba mảng gồm đầu tư nước ngoài, kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài, ba nhóm này không liên kết với nhau.
Thứ hai, nền kinh tế mở nhưng mức độ mở và năng lực hội nhập của doanh nghiệp tư nhân trong nước thấp nên không tận dụng hết cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế mang lại để đóng góp cho sự thịnh vượng của quốc gia.
Thứ ba, hệ thống thể chế của chúng ta không còn phù hợp để huy động đủ nguồn lực và sử dụng nguồn lực hiệu quả tạo bứt phá tăng trưởng. Điển hình, Quốc hội liên tục phải ban hành các thể chế khác biệt so với hiện hành cho các địa phương, số địa phương mong muốn điều này ngày càng nhiều. Quốc hội ban hành cơ chế thí điểm thực hiện dự án đầu tư quan trọng quốc gia vì thể chế hiện hành không dung nạp được, đây là điểm yếu nhất của nền kinh tế nước ta.
Trong khó khăn khủng hoảng, doanh nghiệp hay bất cứ ai đều có suy nghĩ đầu tiên là phải tồn tại vượt qua. Để tồn tại thì luôn phải cơ cấu lại sản phẩm, thị trường, quản trị, phải tiết giảm chi phí...Nhưng trong cái khó luôn ló cái khôn, vẫn có cơ hội, nhiều doanh nghiệp đã biết bám lấy cơ hội đó.
Tuy nhiên, điều mà Nhà nước phải làm là đưa ra các giải pháp, gồm: Một là, ổn định vĩ mô; Hai là, phải cải cách cải thiện môi trường kinh doanh tháo bỏ rào cản tạo thuận lợi tối đa; Ba là, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, như giảm lãi suất, thuế, phí... Một mặt giúp doanh nghiệp giảm chi phí mặt khác tăng cầu tiêu dùng cũng là một giải pháp giúp doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp hiện nay đang cần chúng ta đã làm nhưng phải nhất quán, mạnh mẽ và dưới mức độ cao hơn, đột biến hơn để bù đắp khó khăn cho doanh nghiệp.
"Niềm tin của doanh nghiệp là quan trọng. Để họ tin được thì tôi cho rằng nói phải đi đôi với làm, văn bản chính sách phải thực thi đúng thế. Đồng thời, các nhà lãnh đạo trong mọi trường hợp hay trong các diễn đàn như hôm nay phải có phát biểu chạm đến trái tim của họ, để khích lệ tinh thần đầu tư, làm cho họ máu đầu tư, sôi sục đầu tư, vượt qua khó khăn để đầu tư. Đó là những thứ mà chúng ta đã và đang làm nhưng tôi mong làm nhiều hơn, triệt để hơn, nhất quán hơn để tạo ra niềm tin. Thứ cần nhất hiện nay của doanh nghiệp là niềm tin", TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
T.H