Nhu cầu phát hành trái phiếu để huy động vốn là rất lớn
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng.
Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2021, quy mô của thị trường TPDN vào khoảng 16,6% GDP sau khi tăng trưởng nóng vài năm trở lại đây. Con số này vẫn còn thấp so với mục tiêu dư nợ thị trường TPDN đạt khoảng 20% GDP vào năm 2025 được nêu ra tại Nghị quyết 54 về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 do Chính phủ vừa ban hành.
Xét cả về tỷ lệ lẫn khối lượng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn rất nhỏ so với khu vực. Ví dụ như Hàn Quốc có dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chiếm tới 86,6%, ở Malaysia là 60% GDP.
Thực tế, nhu cầu phát hành trái phiếu để huy động vốn là rất lớn. Đáng chú ý, trong số này phát hành trái phiếu riêng lẻ hiện chiếm hơn 95,4%.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, năm 2021, khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm tới hơn 95,1% tổng giá trị phát hành trong năm 2021, đạt 605 nghìn tỷ đồng. Quý I/2022, khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ tiếp tục tăng tỷ trọng trong tổng giá trị phát hành, chiếm hơn 95,4%.
Ông Phạm Phú Khôi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho rằng, thị trường trái phiếu phát hành riêng lẻ rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng hậu COVID-19. Rất nhiều doanh nghiệp cần tái cơ cấu, bổ sung vốn dài hạn để phát triển kinh doanh sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sẽ giúp các doanh nghiệp trong tình trạng khủng hoảng có công cụ để tái cơ cấu nguồn vốn, tiếp tục hoạt động; không dẫn đến những hệ quả dây chuyền lên hệ thống ngân hàng như tăng nợ xấu. Đây cũng là công cụ để các nhà đầu tư tổ chức chuyên đầu tư mạo hiểm cấu trúc các thương vụ.
Đang có những "con sâu làm rầu nồi canh"
Tại Hội nghị "Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế" diễn ra ngày 22/4 ở Hà Nội, VBMA cho biết liên quan tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần đây, một số tổ chức phát hành và tổ chức trung gian đã không tuân thủ các yêu cầu của pháp luật.
Đặc biệt, vừa qua, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp có những vi phạm pháp luật và đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngày 05/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có Quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan, tiến hành điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư của các công ty thành viên thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh.
Các hiện tượng như Tân Hoàng Minh khiến các tin tức không tích cực về thị trường trái phiếu doanh nghiệp trên thông tin đại chúng. Điều này khiến tâm lý các nhà đầu tư hoang mang và nhiều nhà đầu tư cá nhân có động thái bán lại các trái phiếu đã đầu tư, bao gồm cả những trái phiếu có chất lượng tốt, giảm đầu tư mới... khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp và thứ cấp gặp rất nhiều khó khăn.
Đặc biệt, các doanh nghiệp bất động sản càng khó khăn hơn khi bị hạn chế cả việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Việc này có thể dẫn tới mất thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, gây những hệ lụy khó lường cho thị trường tài chính nói chung.
Điều đáng lưu ý là những rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp có nguy cơ lây chéo cho ngân hàng và công ty chứng khoán.
PGS,TS. Tô Trung Thành (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, về rủi ro bất ổn tại khu vực tài chính tiền tệ, mối quan tâm lớn nhất hiện nay là thị trường nợ. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam tính tỷ lệ trên GDP không lớn so quốc gia khác, nhưng lại có rủi ro vì 40% trái phiếu phát hành là của doanh nghiệp bất động sản. Không chỉ quy mô phát hành tăng cao, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bất động sản cũng ở mức cao nhất, lên đến 12-13%/năm.
Gần 30% trái phiếu doanh nghiệp bất động sản không có tài sản bảo đảm, hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu nên chất lượng tài sản bảo đảm kém, mức độ rủi ro lớn. 80% giá trị trái phiếu phát hành thuộc về doanh nghiệp chưa niêm yết. Do đó, khả năng tiếp cận thông tin, tính minh bạch của doanh nghiệp rất hạn chế, mập mờ thông tin trong sử dụng dòng tiền, như trường hợp của Tân Hoàng Minh, dẫn đến đẩy rủi ro cho người mua. Hiện Việt Nam cũng thiếu vắng thông tin xếp hạng tín nhiệm trên thị trường phát hành nợ.
Những rủi ro nói trên của thị trường trái phiếu doanh nghiệp có nguy cơ lây chéo cho ngân hàng và công ty chứng khoán vì 74% trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản do ngân hàng và công ty chứng khoán thuộc ngân hàng nắm giữ. Bản thân thị trường chứng khoán cũng tồn tại những rủi ro, bất ổn, thể hiện ở mức độ nhà đầu tư cá nhân mới, thiếu hiểu biết thị trường tăng kỷ lục. Số lượng doanh nghiệp niêm yết ít, gây mất cân đối cung cầu trong khi chất lượng không đồng đều. Tình trạng thao túng giá cổ phiếu có dấu hiệu nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến niềm tin và tính minh bạch thị trường. Rủi ro bong bóng của thị trường ngày càng rõ khi tỷ lệ vay ký quỹ/vốn chủ sở hữu ở mức 130%.
PGS,TS. Tô Trung Thành nhận định, khả năng tiếp cận thông tin, tính minh bạch của doanh nghiệp rất hạn chế, mập mờ thông tin trong sử dụng dòng tiền, như trường hợp của Tân Hoàng Minh, dẫn đến đẩy rủi ro cho người mua. Hiện Việt Nam cũng thiếu vắng thông tin xếp hạng tín nhiệm trên thị trường phát hành nợ.
Những bất ổn của khu vực tài chính tiền tệ như chất lượng tín dụng thấp, nợ xấu tăng, thị trường chứng khoán chưa thực sự lành mạnh... sẽ có tác động ngược trở lại các khu vực khác, đặc biệt là ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng và phục hồi của nền kinh tế.
Thị trường cần gói hỗ trợ về niềm tin
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp phải theo hướng bền vững để trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp; trong đó, tập trung phát triển thị trường thứ cấp minh bạch, xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ.
Trước mắt, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế theo hướng siết chặt một cách hợp lý, quản lý chặt chẽ các công ty chứng khoán tư vấn phát hành.
Các doanh nghiệp yếu kém không được phát hành; thu hẹp lại mục tiêu huy động trái phiếu chỉ phục vụ cho việc đầu tư triển khai dự án; doanh nghiệp sau khi phát hành phải thông báo ngay cho Sở giao dịch chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thường xuyên có công bố thông tin về việc sử dụng tiền từ huy động trái phiếu.
Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, Chính phủ đang đặt mục tiêu không chỉ phục hồi mà còn phải phát triển kinh tế sau đại dịch. Nếu thị trường trái phiếu không được bảo vệ, không được tiếp tục phát huy, doanh nghiệp sẽ cảm thấy có một kênh tiếp cận vốn vừa mở ra lại sắp bị đóng lại, mất một kênh huy động vốn lớn sẽ là thiệt hại cho nền kinh tế.
Ở góc độ khác, TS. Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch VCCI cho rằng, cần gói hỗ trợ về niềm tin trong bối cảnh hiện nay.
Khẳng định việc Chủ tịch HĐQT FLC bị bắt, hay khởi tố một số thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Thủ Thiêm… không phải hình ảnh chung của đội ngũ doanh nghiệp tư nhân, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, pháp luật phải công bằng với người làm ăn sai trái, nhưng công chúng cũng cần phải công bằng, bao dung với đội ngũ doanh nhân.
Việc chịu tác động kép của dịch bệnh và chiến tranh dẫn tới suy giảm lòng tin trên toàn cầu. Trong nước những khuyết tật của nền kinh tế đang bộc lộ rõ hơn. Chúng ta đang trong bối cảnh nhiều khó khăn.
"Bây giờ đang là giai đoạn khủng hoảng niềm tin toàn cầu. Do đó, cần tao niềm tin của xã hội vào khu vực tư nhân, cũng như tạo niềm tin của khu vực tư nhân vào thị trường. Khu vực tư nhân vẫn là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế", ông Lộc nhấn mạnh.
Khẳng định việc Chủ tịch HĐQT FLC bị bắt, hay khởi tố một số thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Thủ Thiêm… không phải hình ảnh chung của đội ngũ doanh nghiệp tư nhân, ông Lộc cho rằng, pháp luật phải công bằng với người làm ăn sai trái, nhưng công chúng cũng cần phải công bằng, bao dung với đội ngũ doanh nhân.
Ông Lộc cũng nhấn mạnh, việc giữ vững niềm tin vào thị trường, vào thể chế là rất quan trọng đối với doanh nghiệp Việt Nam. "Chữ thật là trung tâm của động thái doanh nghiệp hiện nay, tạo động lực phát triển", ông đề xuất.
Trong môi trường có nhiều rủi ro và dự kiến trong tương lai cũng vẫn sẽ nhiều rủi ro, nên ông Lộc cho rằng, nâng cao năng lực quản trị rủi ro là rất cần thiết.
Ông cũng cho rằng, những vấn đề vướng mắc liên quan đến thể chế cần phải điều chỉnh, như: phải có biện pháp quản lý tốt hơn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, của thị trường chứng khoán.
"Nhưng không được giật cục, không được đột ngột, thắt chặt, để làm sao các thị trường này là thị trường huy động vốn trung và dài hạn", ông Lộc lưu ý..
TS. Võ Trí Thành thì chỉ rõ, những hạn chế đang bộc lộ tại thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sâu xa là do quan điểm. "Chúng ta đã xây dựng những nền tảng tốt, cụ thể như trái phiếu Chính phủ, trong khi trái phiếu doanh nghiệp lại hời hợt", ông Thành nhận định.
Ông Thành cho rằng, chúng ta phải cần kiên trì và có kế hoạch dài hạn cho thị trường trái phiếu nhiều hơn thị trường cổ phiếu.
"Trước mắt, việc giám sát phải gắn với thưởng phạt, về nguyên tắc chúng ta không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, nhưng phải làm rõ tính chuyên nghiệp của các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức", ông Thành đề xuất.
Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam khẳng định, chắc chắn công cụ trái phiếu doanh nghiệp là rất quan trọng trong phát triển của Việt Nam, sẽ có tăng trưởng và suy thoái, nhưng đó là những điều rất bình thường.
Ông cho rằng, các nhà lập pháp và hành pháp vẫn cần thực thi trách nhiệm của mình trong việc điều chỉnh các hành vi của các đối tượng tham gia thị trường. Tuy nhiên, trong quản lý, giám sát không nên quá chặt chẽ mà bóp chết thị trường, cũng không quá lỏng lẻo khiến thị trường gặp nhiều vấn đề.
Ông khuyến nghị, đầu tiên cải thiện công tác quản trị doanh nghiệp, cải thiện các quy tắc kế toán, kiểm toán. Cần bảo vệ nhà đầu tư; Củng cố trong việc phát hành trái phiếu ra công chúng đặc biệt là phát hành trái phiếu riêng lẻ; Phát triển các cơ quan đánh giá tín nhiệm tín dụng; Phát triển đội ngũ nhà đầu tư chuyên nghiệp và cả có số liệu, dữ liệu để nắm bắt rõ mối liên hệ giữa các tổ chức trong hệ thống để kiểm soát rủi ro, phát hiện rủi ro.
Thị trường bất động sản không phải Việt Nam là quốc gia duy nhất chứng kiến sự tăng giá, sự khác biệt là Việt Nam thiếu sự liên kết về dữ liệu, vì thế thiếu hiểu biết về định giá, về nguồn cung, về giao dịch nên khó xác định được các rủi ro liên quan. "Chúng ta có thể học hỏi được các quốc gia khác cách làm thế nào kiểm soát được đà tăng giá bất thường của khu vực này", Trưởng đại diện IMF nói.