Các quy định về giảm phát thải đang trở thành động lực chuyển đổi cho thị trường xe máy tại Việt Nam. Mới đây, Thủ tướng đã ký Chỉ thị 20, đưa ra lộ trình rõ ràng cho Thủ đô Hà Nội: Từ ngày 1/7/2026, mô tô và xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ không được lưu thông trong khu vực Vành đai 1.
Lộ trình này sẽ tiếp tục mở rộng hạn chế ra Vành đai 2 vào năm 2028 và Vành đai 3 vào năm 2030. Chính sách này, cùng nghị quyết của HĐND thành phố về vùng phát thải thấp, tạo ra áp lực và cơ hội trực tiếp cho thị trường xe máy điện.
Trong khi đó, báo cáo Vietnam At a Glance do Ngân hàng HSBC Việt Nam công bố mới đây chỉ ra, thị trường xe máy điện của Việt Nam hiện đang lớn nhất ở khu vực ASEAN và lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Trong tương lai, thị trường xe điện Việt Nam còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng.
Mặc dù dự đoán tương lai của một ngành đang phát triển nhanh chóng không hề dễ dàng, HSBC vẫn ước tính tổng doanh số bán xe máy và ô tô điện hàng năm của Việt Nam có thể tăng từ dưới 1 triệu trong năm 2024 lên trên 2,5 triệu vào năm 2036. HSBC dự đoán xe máy điện sẽ tiên phong trong công cuộc phát triển xe điện của Việt Nam. So với ô tô điện, xe máy điện có giá vừa tầm hơn với độ tương đồng linh kiện cao hơn, và đã có tỷ lệ sản xuất nội địa cao.
![]() |
Điểm mặt những tên tuổi trong thị trường xe máy điện Việt Nam |
Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường và tư vấn đầu tư B&Company của Nhật Bản, thị trường xe máy điện Việt Nam hiện chứng kiến sự thống trị mạnh mẽ của các nhà sản xuất trong nước như VinFast và Pega.
Số liệu thống kê của Kirin Capital, cấu trúc thị trường của xe máy điện năm 2023 dành phần lớn thuộc về VinFast. Kể từ khi gia nhập thị trường vào năm 2017, công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã dẫn đầu thị trường xe hai bánh điện với 70.977 xe được bán ra trong mỗi năm.
Trong khi đó, Pega là nhà sản xuất xe điện trong nước ra đời đầu tiên (năm 2012) và hiện vẫn giữ vững vị thế của mình với gần 16% thị phần. Yadea chiếm 12-13% thị phần. Còn Dat Bike chiếm 2-3% thị phần và đang có kế hoạch mở rộng.
![]() |
Nguồn: Kirin Capital tổng hợp |
VinFast là công ty thành viên thuộc Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Năm 2017, Nhà máy sản xuất ô tô, xe máy Vinfast được xây dựng nằm trong khu phức hợp nhà máy VinFast với tổng diện tích 335 ha tại khu công nghiệp Đình Vũ, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng.
Về xe máy điện, năm 2018 Vinfast khánh thành nhà máy xe máy điện với công suất 250.000 chiếc/năm và cho ra mắt 2 mẫu xe máy điện đầu tiên là Klara A1 và Klara A2. Năm 2019, Vinfast tiếp tục cho ra mắt 3 mẫu xe máy điện là Ludo, Impes và Klara S. Năm 2021, hai dòng dòng xe máy điện là Theon và Feliz được ra mắt.
Hiện nay, VinFast đang chiếm thị phần lớn nhất cả về mảng xe máy điện và ô tô điện tại Việt Nam. Ngoài ra, Vinfast là hãng xe duy nhất cung cấp hệ thống “Dịch vụ lưu động 24/7”, bao gồm: Sửa chữa lưu động (Mobile Service), Sạc pin lưu động (Mobile Charging), Cứu hộ 24/7.
Theo số liệu trong Báo cáo thường niên 2024 do Vingroup công bố, VinFast bán được 70.977 xe máy điện trong năm vừa rồi, đạt 71% so với mục tiêu đề ra (100.000 xe máy điện). Năm 2023 và 2022, số xe máy điện bán được lần lượt là 70.266 và 60.264 chiếc. Mức tăng trưởng xe máy điện VinFast năm 2024 so với 2023 là 1%.
![]() |
Nguồn: Báo cáo thường niên Vingroup |
Xe máy điện VinFast tuy đứng đầu về thị phần xe máy điện nhưng chỉ chiếm 2,78% trong tổng dung lượng tiêu dùng xe máy Việt Nam cùng năm, là 2,545 triệu chiếc.
Nếu xét về thị trường xe máy nói chung, Honda vẫn là nhãn hiệu bán được nhiều xe nhất, với thị phần 82,5%, số liệu do Hiệp hội các nhà sản xuất xe 2 bánh Việt Nam (VAMM) công bố.
PEGA ( tiền thân là Hkbike) thành lập năm 2012, được biết đến là thương hiệu xe điện đầu tiên tại Việt Nam, nổi lên với hàng loạt xe điện tự thiết kế nhắm đến phân khúc học sinh, sinh viên và người lao động có thu nhập trung bình.
Theo công bố, năm 2017, PEGA đã chính thức cho ra mắt những sản phẩm đầu tiên được nội địa hoá tại Việt Nam với tỷ lệ nội địa hoá tính theo giá trị sản phẩm lên đến 85%.
Hiện tại, PEGA sở hữu nhà máy lắp ráp xe điện tại Yên Dũng, Bắc Giang với diện tích 15.000m2, công suất thiết kế đạt 40.000 xe/tháng.
![]() |
Ngoài doanh nghiệp lớn, các startup trong nước cũng bắt đầu để lại dấu ấn rõ nét. Dat Bike – startup từng xuất hiện trong chương trình Shark Tank Việt Nam năm 2019 cũng đang cho thấy những sức bật mạnh mẽ sau nhiều năm hoạt động với tổng số vốn huy động hơn 25 triệu USD. Năm 2025, công ty này xác định sẽ đánh ra thị trường miền Bắc.
Trong khi đó, Selex Motors lại chọn chiến lược khác khi tập trung vào thị trường xe điện logistics. Nhờ hệ thống trạm đổi pin nhanh và hợp tác với các đối tác lớn như GrabExpress, Lazada, Be, hãng này đang dẫn đầu phân khúc xe điện giao hàng B2B tại Việt Nam.
Dù thống trị thị trường xe xăng, chiến lược của Honda trong phân khúc xe điện lại cho thấy sự nhập cuộc muộn hơn. Hãng đã mang mẫu PCX điện về "thăm dò" từ năm 2022 nhưng không thương mại hóa. Đến năm 2024, hãng xe Nhật Bản này mới công bố kế hoạch sản xuất và dự kiến đến tháng 3/2025 mới bán ra mẫu ICON e.
Sử dụng xe điện là xu hướng tất yếu trong tương lai, đặc biệt là các nước phát triển thì xu hướng này đã và đang diễn ra một cách mạnh mẽ. Tại Việt Nam, thị trường xe điện mới chỉ ở giai đoạn đầu và Chính phủ đã vạch sẵn những mốc chuyển đổi trong lộ trình chuyển từ xe xăng sang điện. Song song với đó là những ưu đãi về thuế, phí và sắp tới là hành lang pháp lý để hỗ trợ thị trường xe điện. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ thị trường xe điện tại Việt Nam hơn nữa.