Đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, chỉ riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Điều đáng nói, có hàng nghìn đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả. Đứng trước lợi nhuận quá lớn, các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp quyền và lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân.
Cũng theo số liệu thống kê, hàng năm Việt Nam sử dụng trên 11 triệu tấn phân bón. Phân bón giả gây ra hệ lụy rất lớn cho người nông dân, nếu dùng phân bón giả hàm lượng dinh dưỡng không đạt thì năng suất thấp, gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, công sức của người nông dân cả vụ mất hết.
Để tránh tình trạng mua phải phân bón giả, nhiều chuyên gia cho rằng, nông dân nên hạn chế mua phân bón trôi nổi, chọn mua phân bón tại những cơ sở uy tín, mặt hàng có thương hiệu, bao bì rõ ràng.
Ông Nguyễn Đức Lê- Phó trưởng phòng nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) nhận định: Hiện nay, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng… chống đối sự kiểm tra của lực lượng chức năng bằng cách di dời cơ sở sản xuất vào vùng hẻo lánh, thưa thớt dân cư; sau khi sản xuất xong, mang ra thị trường bán ồ ạt vào thời điểm nhất định và xóa sổ luôn xưởng sản xuất đó.
Dự báo, trong thời gian tới, tình hình vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón sẽ có những diễn biến phức tạp, để chủ động đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường đã có Công văn số 129/TCQLTT-CNV ngày 26/1/2022 về việc tăng cường kiểm tra mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Theo ông Nguyễn Đức Lê, song song với chuyên môn, lực lượng tiếp tục kết hợp làm tốt tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
P.V