Để thực hiện hiệu quả quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), các cơ quan chức năng đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện tượng này vẫn còn phổ biến ở nhiều doanh nghiệp, kéo dài trong thời gian dài và gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong việc thu hồi, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.
Bộ Nội vụ đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH liên quan đến hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Theo Bộ, đây là nội dung mới bởi trước đó pháp luật chưa nêu rõ khái niệm cụ thể về "chậm đóng" và "trốn đóng".
![]() |
Bộ Nội vụ đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH liên quan đến hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. |
Đề xuất cụ thể trách nhiệm của cơ quan BHXH
Dự thảo nêu rõ trách nhiệm của cơ quan BHXH trong việc phát hiện và đôn đốc doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, BHTN: Đối với các trường hợp chậm, trốn đóng theo quy định, giám đốc cơ quan BHXH trực tiếp xác định và gửi văn bản yêu cầu người sử dụng lao động nộp đủ trong 10 ngày đầu tháng. Đối với các trường hợp phát hiện vi phạm khác, cơ quan BHXH phải gửi văn bản yêu cầu doanh nghiệp nộp đủ trong vòng 3 ngày làm việc kể từ khi phát hiện hoặc nhận thông tin từ cơ quan có thẩm quyền.
Trước ngày 15 tháng đầu mỗi quý, BHXH cấp tỉnh sẽ báo cáo danh sách doanh nghiệp vi phạm lên Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Sở Nội vụ và Thanh tra tỉnh. Trước ngày 15/7 và 15/1 hằng năm, BHXH Việt Nam tổng hợp thông tin vi phạm đến hết ngày 30/6 và 31/12, báo cáo lên các cơ quan trung ương. BHXH có thể báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Xác định các trường hợp trốn đóng BHXH, BHTN
Theo dự thảo, hành vi trốn đóng bao gồm: Không khai báo hoặc khai báo không đầy đủ tiền lương thực tế để đóng BHXH, BHTN.Sử dụng hồ sơ, tài liệu không đúng sự thật để xin tạm dừng đóng BHXH bắt buộc.
Tuy nhiên, không coi là trốn đóng nếu: Doanh nghiệp nộp muộn do sự cố khách quan, bất khả kháng dù đã nỗ lực khắc phục. Không thể đóng đủ số tiền do sự cố tương tự như trên.
Số tiền chậm đóng được xác định theo mức trách nhiệm của người sử dụng lao động tại Luật BHXH và căn cứ vào thời điểm nộp trễ so với hạn đóng. Số ngày chậm đóng được tính từ ngày sau hạn cuối quy định.
Xác định và thu hồi nợ BHXH
Giám đốc BHXH có trách nhiệm xác định hành vi chậm/trốn đóng, tính số tiền doanh nghiệp phải nộp bổ sung (bao gồm cả khoản phạt 0,03% mỗi ngày), thông báo để doanh nghiệp đối chiếu và tiến hành thu hồi.
Người sử dụng lao động nộp tiền vào quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện thu theo thứ tự sau: Phạt chậm/trốn đóng: 0,03%/ngày. Số tiền trốn đóng: nộp vào các quỹ BHXH, chia đều theo tỷ lệ. Số tiền chậm đóng: cũng chia đều theo tỷ lệ vào các quỹ. Các khoản khác theo quy định.
Khi phát hiện hành vi chậm/trốn đóng BHXH, BHTN, cơ quan có thẩm quyền sẽ: Buộc doanh nghiệp nộp đủ số tiền còn thiếu và phạt 0,03%/ngày. Xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Không xem xét khen thưởng hoặc công nhận danh hiệu thi đua.