Ngày 1/3, lãnh đạo Công an TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) xác nhận đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với pháp nhân là Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Thuận Thông về tội "trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động".
Lần đầu tiên tại Phú Yên, một pháp nhân là doanh nghiệp bị cơ quan điều tra khởi tố về tội "trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động".
Các quyết định khởi tố này đã được Viện KSND TP Tuy Hòa phê chuẩn.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Thuận Thông được thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên cấp lần đầu ngày 9-9-2011, đăng ký thay đổi lần thứ tư vào ngày 12-12-2022. Công ty này do ông Đặng Gia Lương (43 tuổi, trú tại phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM) làm giám đốc, đồng thời là người đại diện theo pháp luật. Trong quá trình hoạt động, tháng 5-2019, công ty này bị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 150 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính, trong thời gian từ tháng 6-2019 đến tháng 12-2019, công ty tiếp tục có hành vi không đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội với số tiền hơn 423,5 triệu đồng.
Theo số liệu thống kê từ năm 2020 đến nay, Công an TPHCM tiếp nhận 66 vụ việc, tin báo, kiến nghị khởi tố có liên quan đến đơn vị sử dụng người lao động trốn đóng BHXH do Cơ quan BHXH chuyển qua. Kết quả, Cơ quan điều tra 2 cấp Công an Thành phố đã ra quyết định không khởi tố 15 vụ; ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm 14 vụ, trả hồ sơ cho cơ quan BHXH 32 vụ, thông báo gửi cơ quan BHXH về việc không có căn cứ để xử lý 4 vụ, hiện đang tiếp tục xác minh làm rõ 1 vụ. Theo Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TPHCM, cơ quan điều tra tiếp nhận nhiều vụ nhưng chưa khởi tố được vì có nhiều khó khăn, vướng mắc pháp lý.
Tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa đã bổ sung nhiều quy định tăng cường chế tài xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Riêng hành vi trốn đóng còn có biện pháp mạnh là truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phân định hành vi chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) phân định rõ hai hành vi: chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp:
Chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền theo hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp sau ngày đóng chậm nhất quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật này.
Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong vòng 60 ngày từ khi hết hạn quy định tại khoản 1 Điều 28.
Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong vòng 60 ngày từ khi hết hạn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp:
Sau 60 ngày kể từ ngày hết hạn quy định tại khoản 1 Điều 28 mà không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Sau 60 ngày kể từ ngày hết hạn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp mà không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp thấp hơn quy định.
Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 60 ngày kể từ ngày đóng chậm nhất và đã được cơ quan thẩm quyền đôn đốc.
Biện pháp xử lý hành vi chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định cụ thể các biện pháp xử lý đối với hành vi chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội:
Biện pháp tài chính: Bắt buộc đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội chậm đóng hoặc trốn đóng, và nộp phạt 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm đóng hoặc trốn đóng.
Xử phạt hành chính: Theo quy định của pháp luật, không xét trao tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng.
Truy cứu trách nhiệm hình sự: Áp dụng đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Bảo vệ quyền lợi người lao động
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ bảo hiểm xã hội bắt buộc, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Công khai thông tin vi phạm: Luật quy định cơ quan bảo hiểm xã hội công khai trên Cổng thông tin điện tử về việc người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. Thông tin này cũng được gửi đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và cơ quan thanh tra liên quan để xử lý theo thẩm quyền.
An Thảo