Tác động bất lợi từ các 'con số biết nói'

00:00 12/10/2020

Không chỉ tín dụng giảm tốc, lợi nhuận khó đạt mục tiêu, các nhà băng còn đang phải đối mặt trước những hệ lụy khác mà dịch Covid -19 gây ra.

ngan-hang-4449-1583863044.jpg

Ngân hàng bắt đầu chịu tác động bất lợi từ dịch Covid-19 (Ảnh minh hoạ: Internet)

Chuyên gia Tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng ngân hàng sống bằng khách hàng của mình, khách hàng của ngân hàng chao đảo đương nhiên ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, năm nay ngân hàng đừng kỳ vọng sẽ có lợi nhuận cao, thậm chí mục tiêu giảm nợ xấu cũng có nguy cơ không đạt.

Khó giữ mục tiêu lợi nhuận

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, dư nợ từ các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch tính đến thời điểm này vào khoảng 925.000 tỷ đồng, tương đương 11% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng.

Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, hệ thống các TCTD đã triển khai nhiều giải pháp trực tiếp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất…

Giới chuyên gia nhận định, việc cắt giảm lãi suất hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ khó tránh tác động tới lợi nhuận ngân hàng, song đây được xem là giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay. Bởi doanh nghiệp khoẻ thì ngân hàng mới phát triển.

Theo ước tính của Vietcombank, quy mô dư nợ của các khoản vay được giảm lãi suất hiện nay của Vietcombank khoảng 30.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng của khoảng 300 khách hàng là tổ chức kinh doanh lớn, số tiền giảm lãi suất mà Vietcombank chia sẻ với doanh nghiệp ước khoảng 300-450 tỷ đồng.

Nhà băng này đặt mục tiêu lợi nhuận trong năm 2020 tăng trưởng 15% so với năm 2019. Tuy nhiên, kịch bản lợi nhuận này của Vietcombank chưa đo lường đến những thiệt hại do dịch virus corona chủng mới Covid-19.

Hay như với VietinBank, theo chia sẻ của một lãnh đạo cấp cao, dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng "nằm trong mức bình quân của toàn ngành", tuy nhiên vì sự phức tạp của dịch bệnh, "mức độ vẫn chưa lường được hết’. Đương nhiên, vấn đề lợi nhuận của ngân hàng cũng khó có thể tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Mới đây nhất, tại Đại hội đồng cổ đông thương niêm năm 2020 tổ chức cuối tuần qua, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú thừa nhận, mục tiêu lợi nhuận đặt ra đầu năm trong kịch bản dịch bệnh kết thúc vào tháng 3 trở nên khó khăn, vì vậy ngân hàng sẽ điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận nếu cần thiết.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng phải thừa nhận: “Thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra là rõ ràng, tổ chức tín dụng cũng là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vì giảm lãi suất đồng nghĩa với việc dùng chính tiền của ngân hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp".

Mặc dù vậy, ông Hiếu cho rằng các ngân hàng cũng chỉ có thể giảm mức độ thiệt hại cho khách hàng, trong khi vẫn phải đảm bảo bù đắp được chi phí. Ðể tránh lợi nhuận sụt giảm, ngân hàng cần đa dạng hóa nguồn thu.

Nỗi lo nợ xấu

Dù vậy, khó giữ mục tiêu lợi nhuận không phải là một mối lo duy nhất mà các nhà băng đang phải đối mặt.

Ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và chờ giải thể tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái cũng đặt ra lo ngại về việc gia tăng nguy cơ nợ xấu.

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho hay, Agribank chưa đánh giá được có bao nhiêu khách hàng bị thiệt hại và số lượng thiệt hại, song chắc chắn dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ của khách hàng với ngân hàng. Theo đó, việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi trong cơ cấu cho vay của Agribank, nông nghiệp chiếm tới 70%. Điều này cũng có thể tác động làm gia tăng nguy cơ nợ xấu.

Từ giữa tháng 2, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cũng cho biết các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu cũng như mức trích lập dự phòng.

Đại diện Eximbank thì cho biết, qua thống kê từ các báo cáo của các đơn vị kinh doanh của ngân hàng, có khoảng 10% dư nợ cho vay của khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân bị tác động bởi dịch bệnh, các khó khăn này diễn ra trên diện rộng cả nước, tập trung nhiều nhất tại TPHCM; Nha Trang; Đà Nẵng và các tỉnh miền Tây Nam bộ với các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nhất là kinh doanh khách sạn, các homestay, nhà hàng ăn uống, các khu du lịch, giải trí và xuất khẩu nông sản/các ngành công nghiệp phụ trợ sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc.

“Tính đến thời điểm hiện nay, Eximbank đã và đang khẩn trương xử lý đối với đề xuất của 515 khách hàng với tổng dư nợ tương ứng 5.400 tỷ đồng về việc hỗ trợ gia hạn, điều chỉnh lịch trả nợ…”, ngân hàng này cho biết.

Tại VPBank, đại diện ngân hàng này ước tính, tổng số khách hàng của VPBank bị tác động đợt này lên tới gần 1.000 doanh nghiệp và có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới nếu dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), triển vọng ngành ngân hàng không sáng sủa bằng năm 2019, nên khi có bệnh dịch bùng phát thì có tác động tiêu cực hơn, nợ xấu đáng lo ngại hơn.

"Có khả năng nợ xấu năm nay sẽ tăng hơn so với năm trước, còn mức tăng nhiều hay ít phụ thuộc vào tình hình kinh tế trong và ngoài nước cũng như việc đưa ra chiến lược hoạt động của ngành ngân hàng nói chung, các tổ chức tín dụng nói riêng", ông Độ cho hay.

Huyền Anh