Ngày 11/4, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị góp ý cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN). Đây là bước đi quan trọng nhằm tháo gỡ những bất cập trong quản lý tài chính công, đồng thời thể chế hóa định hướng tăng cường phân cấp ngân sách, nâng cao tính chủ động cho địa phương.
![]() |
Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách Nhà nước nhằm tăng cường phân cấp, trao quyền tự quyết, tự làm và tự chịu trách nhiệm cho các địa phương trong quản lý, sử dụng ngân sách. |
Theo dự thảo sửa đổi, UBND các cấp tại địa phương sẽ được quyết định điều chỉnh dự toán chi ngân sách địa phương (NSĐP) trước khi báo cáo lại cấp có thẩm quyền. Đây được xem là bước đột phá trong cải cách hành chính, tạo điều kiện để các địa phương chủ động hơn trong điều hành ngân sách, sát với tình hình thực tiễn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ có thêm thẩm quyền trong việc điều chỉnh dự toán thu- chi của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương, với nguyên tắc không làm tăng bội chi ngân sách hay vượt quá mức vay đã được phê duyệt.
Luật NSNN năm 2015 đã phát huy hiệu quả trong quản lý tài chính – ngân sách, song theo Bộ Tài chính, sau hơn 8 năm áp dụng, luật đã bộc lộ một số hạn chế, như: Khái niệm, định nghĩa chưa thống nhất, gây lúng túng trong thực hiện; Phân cấp nhiệm vụ chi chưa rõ ràng; Quy trình lập dự toán, điều chỉnh ngân sách còn rườm rà; Trách nhiệm giải trình của người đứng đầu đơn vị sử dụng ngân sách chưa cụ thể.
Việc sửa đổi lần này sẽ tập trung khắc phục các vấn đề trên, đồng thời hướng đến mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm các quy trình xây dựng, thông báo số kiểm tra thu – chi ngân sách hằng năm và trung hạn.
Dự thảo luật cũng đặt ưu tiên cho các lĩnh vực trọng yếu như khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, thông qua cơ chế lập dự toán và phân bổ nguồn lực linh hoạt, sát thực tế.
Luật sửa đổi được xây dựng theo hướng kế thừa thành tựu của Luật hiện hành, đồng thời cập nhật các yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn mới. Quan điểm xuyên suốt là "phân cấp mạnh, trao quyền rõ, tạo động lực cao", bảo đảm sự đồng bộ trong thể chế tài chính quốc gia.
Bộ Tài chính đã gửi lấy ý kiến góp ý bằng văn bản từ các bộ, ngành, địa phương; đồng thời tổ chức hội thảo để tiếp nhận phản hồi trực tiếp. Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) đang được Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ và dự kiến sẽ được đưa ra Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9, vào tháng 5/2025, theo thủ tục rút gọn.