Dòng vốn tốt là do chính nội lực của doanh nghiệp
Ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội VASB, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SBS cho rằng, có hai vấn đề chính cần được xem xét: Tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho bất động sản (Chính phủ đã họp với các tập đoàn bất động sản lớn để tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho từng dự án cụ thể); cần có cơ chế hữu hiệu để khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản.
Ông Huỳnh khẳng định, nếu không có hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể và thống nhất giữa chỉ đạo chung của Chính phủ và các bộ, ngành (Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính và NHNN), rất khó có thể hồi phục và phát triển thị trường bất động sản một cách lành mạnh.
Lãnh đạo của VASB cho hay, hệ thống các ngân hàng vẫn phải thực hiện đúng và đủ các tiêu chí trong hoạt động cho vay (vấn đề pháp lý của các dự bất động sản) nên cần phải tập trung tháo gỡ những vướng mắc để từ đó có thể khơi thông nguồn vốn chảy vào thị trường bất động sản.
Ông Phan Quốc Huỳnh cho biết, trong bối cảnh hiện tại, rất khó để đưa ra lời khuyên cụ thể cho các doanh nghiệp. Đối với những đơn vị đã niêm yết, nếu thị trường đi lên kéo theo tính thanh sẽ khoản cao, mặt bằng giá bất động sản được phục hồi sẽ kéo theo kênh huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản tốt hơn, giá cổ phiếu lên cao hơn và lợi nhuận thu về chắc chắn sẽ tốt hơn.
Theo ông Huỳnh, một số doanh nghiệp sẽ khơi thông dòng vốn tốt là do chính nội lực của doanh nghiệp. Thực tế cũng cho thấy một số cổ phiếu đang phản ánh mặt bằng giá khá tốt trong thời gian vừa qua.
Ông nhận định, trong thời gian tới, các doanh nghiệp chưa IPO khi có sức khoẻ tốt hơn có thể xác định sàn chứng khoán là nơi thu hút, huy động nguồn lực xã hội mạnh mẽ cho hoạt động của doanh nghiệp.
Ông cũng cho rằng, điều này là bình thường, bởi thị trường chứng khoán Việt Nam còn non trẻ, mới chỉ hoạt động được hơn hai thập niên. Đặc biệt, so với tỷ lệ dân số, tỷ lệ mở tài khoản chỉ đạt khoảng 7%, vì thế, tỷ lệ doanh nghiệp IPO có vậy là không có gì bất thường.
Vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang e ngại IPO
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội VASB Phan Quốc Huỳnh khẳng định: “Chúng ta cần nhìn nhận tích cực rằng, đại đa số các doanh nghiệp có vốn hoá lớn và hoạt động tốt hiện nay đều đã lên sàn. Đây chính là “những con chim đầu đàn” của lực lượng doanh nghiệp Việt Nam”.
Ông Huỳnh hy vọng, với những tín hiệu tươi sáng hơn và thị trường đang từng bước hồi phục, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ lên sàn chứng khoán trong thời gian tới. Một khi thị trường hồi phục, huy động nguồn vốn tốt và điều kiện sức khoẻ tài chính phù hợp, các doanh nghiệp sẽ tự khắc niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung.
Ông này phân tích, hiện nay có một số doanh nghiệp đang e ngại IPO. Theo quy định của pháp luật, để lên sàn, cần sự minh bạch, rõ ràng trong mọi hoạt động của doanh nghiệp, từ kiểm toán, tài chính, thuế, lợi nhuận và phải báo cáo định kỳ… Vậy nên, nếu doanh nghiệp nào xác định mình hoạt động minh bạch thì sẽ sẵn sàng lên sàn chứng khoán và ngược lại.
Ông nhận định, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan đã nhận diện được những khó khăn của thị trường nên đã quyết liệt tháo gỡ vướng mắc thông qua nhiều chính sách lớn như: Chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi,…
Ông nhấn mạnh, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết cấp tốc để kịp thời giải quyết vấn đề này. Ví dụ như miễn, giảm thuế, hạ lãi suất, đưa ra những gói kích thích kinh tế lớn đồng thời đẩy mạnh đầu tư công. Hiện nay, chúng ta đang rất quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công, đặt biệt phải kể đến hệ thống hạ tầng thông qua công trình trọng điểm Đường cao tốc Bắc - Nam.
Ông phân tích thêm, cổ phiếu bất động sản, tài chính ngân hàng và chứng khoán là ba trụ cột quan trọng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, đây là sự tương tác giữa hệ thống tài chính - ngân hàng và thị trường bất động sản, cần có trong bất cứ giai đoạn phát triển nào của xã hội.
Vị lãnh đạo này cho biết: “Có thể thấy, nguồn lực vốn yếu, nguồn cung hạn chế, tính thanh khoản của thị trường kém và giá cả có sự sụt giảm nên thời gian qua, Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, NHNN và các bộ ngành đã có những giải pháp quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, ví dụ như: Gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội; các chỉ đạo tháo gỡ nút thắt về pháp lý cho dự án bất động sản”.
Nghệ nhân (T/h)