![]() |
Ông Trần Anh Thắng, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) |
Ông Trần Anh Thắng – Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) – nhấn mạnh vai trò then chốt của tiêu dùng nội địa trong chiến lược tăng trưởng GDP, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% vào năm 2025.
Dẫn số liệu thống kê, ông Thắng chỉ ra rằng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam đã tăng trưởng liên tục – từ gần 4,4 triệu tỷ đồng năm 2018 lên 6,39 triệu tỷ đồng năm 2024.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng trong những năm gần đây có dấu hiệu chững lại, cho thấy nhu cầu nội địa chưa đủ mạnh để đóng vai trò động lực chính trong tăng trưởng kinh tế.
Một điểm đáng lưu ý là mối liên hệ chặt chẽ giữa tiêu dùng và tín dụng. Theo ông Thắng, tín dụng tiêu dùng thường chiếm khoảng 12–15% tổng tín dụng toàn hệ thống. Tuy nhiên, xu hướng gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng của dư nợ cho vay tiêu dùng đang chậm lại. Tỷ trọng này từ mức gần 15% năm 2023 đã giảm về khoảng 12% trong năm 2024.
Đặc biệt, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Trần Anh Thắng cảnh báo về sự "lệch pha" giữa tăng trưởng GDP và tỷ trọng chi tiêu hộ gia đình trong nền kinh tế. Dù thu nhập và tổng chi tiêu có xu hướng tăng, nhưng tỷ lệ chi tiêu so với quy mô GDP lại giảm, phản ánh một thực trạng đáng lo: người tiêu dùng đang dần thắt chặt hầu bao hoặc thiếu niềm tin vào triển vọng thu nhập và thị trường.
“Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư và xuất khẩu trong khi thiếu một sức cầu nội địa đủ mạnh và bền vững. Điều này khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước các cú sốc toàn cầu – từ biến động chuỗi cung ứng đến suy giảm cầu quốc tế. Hệ lụy không chỉ hiện diện ở thị trường vốn mà còn thể hiện rõ ở thị trường tiêu dùng nội địa,” ông Thắng nhận định.
Từ góc độ điều hành tín dụng, ông cho rằng việc “bơm” thêm vốn vào tiêu dùng sẽ không phát huy hiệu quả nếu không song hành với các giải pháp thực chất nhằm nâng cao thu nhập và củng cố niềm tin người tiêu dùng.
Khi chi tiêu hộ gia đình yếu, nền kinh tế sẽ mất đi một “trụ đỡ” quan trọng và phải phụ thuộc nhiều hơn vào các động lực bên ngoài – vốn luôn tiềm ẩn rủi ro khó lường.