Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hội Nuôi biển Việt Nam, trong bối cảnh công nghệ nuôi trồng thủy sản ngày càng hiện đại thì nhiều quốc gia có biển trên thế giới đã và đang khai thác hiệu quả tiềm năng nuôi cá biển công nghiệp. Ông Dũng cho biết, với trình độ công nghệ hiện đại như hiện nay các quốc gia có thể sử dụng 1/1000 diện tích vùng biển để nuôi cá biển với năng suất từ 9.900 đến 11.200 tấn mỗi năm. Theo ông Dũng, nếu khai thác được chỉ một phần rất nhỏ trong tổng diện tích này, Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất trung bình 10 triệu tấn cá biển mỗi năm – tương đương với giá trị khoảng 50 tỷ USD. Con số này không chỉ vượt xa sản lượng thủy sản hiện nay mà còn tạo bước đột phá cho nền kinh tế quốc gia nếu có chiến lược và tổ chức thực hiện hiệu quả.
Tại Việt Nam, một số mô hình tiên phong về nuôi biển công nghiệp đã được triển khai và ghi nhận hiệu quả tích cực. Đơn cử như Công ty CNBCN của Tập đoàn Australis (Hoa Kỳ) hiện đang là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam có thể sản xuất 10.000 tấn cá chim mỗi năm theo mô hình công nghiệp hóa. Đây là minh chứng rõ ràng cho khả năng thực tế của việc phát triển nuôi biển quy mô lớn tại Việt Nam.
Một điển hình mang tính đột phá khác là ông Nguyễn Bá Ngọc – một ngư dân đến từ Hà Tĩnh đã mạnh dạn xây dựng một khu công nghiệp trên biển để nuôi mực, theo ông Nguyễn Hữu Dũng đến nay chưa có quốc gia nào trên thế giới thực hiện được. Việc một ngư dân có thể tiên phong phát triển mô hình quy mô và sáng tạo như vậy cho thấy tiềm năng phát triển của ngành nuôi biển Việt Nam không chỉ nằm trong tay doanh nghiệp lớn, mà còn nằm ở sự năng động, sáng tạo của chính những người ngư dân miền biển.
Nhìn sang Trung Quốc, nước này đã phát triển trại nuôi cá biển khơi mang tên “Deep Blue 1” đặt tại vùng biển Hoàng Hải. Trại nuôi cá này có kết cấu thép hình lục giác, cao 30 mét, dung tích lên tới 50.000 m³, có thể sản xuất 1.500 tấn cá mỗi năm và đặt cách bờ tới 100 hải lý. Đây là mô hình không hề xa vời và hoàn toàn có thể thực hiện được vì Việt Nam là một quốc gia có nền công nghiệp đóng tàu thép lớn top 6 thế giới. Đặc biệt, theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam, hiện nay Việt Nam đứng thứ 12 trên thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN về sản xuất thép với quy mô đạt 30 triệu tấn.
“Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những kết cấu tương tự như Deep Blue 1, thậm chí còn linh hoạt và sáng tạo hơn nếu có sự kết hợp giữa các ngành”, ông Dũng khẳng định.
Ông nhấn mạnh rằng ngành đóng tàu là một trong những lợi thế chiến lược để hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản trên biển. Nếu biết tận dụng thế mạnh này với công nghệ nuôi biển hiện đại và mô hình tổ chức phù hợp, Việt Nam có thể tạo ra bước ngoặt lớn cho ngành kinh tế biển.
![]() |
PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng- Chủ tịch Hội nuôi biển Việt Nam |
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng đưa ra kiến nghị, để hiện thực hóa tiềm năng to lớn của ngành nuôi biển, cần thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác giữa các ngành, các lĩnh vực từ công nghiệp đóng tàu, công nghệ, đến logistics và thị trường tiêu thụ. Trao đổi với Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng cho rằng: “Chúng ta đang sống trong thời bình, đây chính là lúc cần đẩy mạnh liên kết nội địa để phát triển quốc gia một cách toàn diện trước khi cạnh tranh với thế giới”.
Dù chiến lược phát triển kinh tế biển đã được đề cập trong Nghị quyết 36 về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" nhưng theo ông Dũng, vấn đề mấu chốt vẫn là tổ chức thực hiện và xây dựng cơ chế hợp tác đa ngành một cách hiệu quả. Không chỉ là sự chỉ đạo từ trung ương mà cần có sự chủ động kết nối từ doanh nghiệp, địa phương đến người dân.
Nuôi cá biển công nghiệp không chỉ là giải pháp phát triển kinh tế mà còn là cách Việt Nam tiếp cận cuộc cách mạng xanh và bền vững trong ngành thực phẩm. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn lợi ven bờ và nhu cầu thực phẩm sạch, an toàn ngày càng tăng thì phát triển nuôi cá biển công nghiệp là xu hướng tất yếu. Nếu có sự thúc đẩy và đề ra chiến lược hợp lý, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những quốc gia về nuôi trồng thủy sản biển, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế quốc gia và đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.