PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Năm 2025 cơ hội lớn cho tài chính Việt Nam PGS. TS Phan Đăng Tuất: Phát triển công nghệ phải đúng, trúng và không manh mún |
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 – nơi trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và tự động hóa đang tái định hình nền kinh tế toàn cầu – việc Việt Nam chủ động xây dựng chiến lược phát triển công nghệ chiến lược không còn là lựa chọn, mà là đòi hỏi tất yếu để không bị tụt lại phía sau. Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng, công nghệ không chỉ là công cụ hỗ trợ sản xuất mà đã trở thành yếu tố sống còn quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, con đường phát triển bền vững của Việt Nam nhất định phải được định hình trên nền tảng khoa học và công nghệ. Ông Thành nhìn nhận, để không lỡ nhịp với thế giới, Việt Nam cần sớm xây dựng một chiến lược khoa học công nghệ rõ ràng, dài hạn và có định hướng cụ thể, thay vì dàn trải hoặc phản ứng bị động với biến động thị trường và công nghệ.
![]() |
PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương (Ảnh: Phan Chính) |
Đưa ra ví dụ thực tiễn, ông Thành nhắc đến Trung Quốc – quốc gia đã có bước đi bài bản khi hoạch định chiến lược công nghệ biển từ cách đây 10 năm. Không dừng lại ở hiện tại, nước này còn lên kế hoạch chi tiết đến năm 2045, thậm chí 2050 – một minh chứng cho tư duy chiến lược và tầm nhìn dài hạn. Với một chiến lược xuyên suốt và sự cam kết mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo, Trung Quốc không chỉ chủ động kiểm soát công nghệ lõi mà còn trở thành cường quốc dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo, viễn thông, và trí tuệ nhân tạo.
Từ đó, PGS.TS Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, bài học lớn cho Việt Nam là không thể “phát triển công nghệ theo phong trào”, mà cần nhìn xa trông rộng, xác định rõ đâu là những lĩnh vực mũi nhọn, phù hợp với tiềm lực và đặc thù kinh tế đất nước. Quan trọng hơn, chiến lược ấy phải gắn với thực thi chính sách cụ thể, có cơ chế hỗ trợ hiệu quả, và phải được lồng ghép vào tổng thể các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
"Chúng ta cần một tầm nhìn dài hơi, và đó là điều không thể trì hoãn thêm", ông Thành nói và cho biết, việc xác định các công nghệ chiến lược không thể dựa trên cảm tính, mà cần có sự khảo sát kỹ lưỡng, dự báo xu thế toàn cầu, và đánh giá mức độ tác động của từng lĩnh vực công nghệ đối với năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, quốc phòng và an ninh quốc gia.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thành, chính sách khoa học công nghệ đóng vai trò quyết định trong việc định hướng và thúc đẩy sự phát triển. Ông cho rằng, cần xây dựng các hệ thống và nguyên tắc rõ ràng để phát triển công nghệ một cách đúng đắn và hiệu quả. “Việc này không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững trong dài hạn”, ông Thành nói.
![]() |
PGS.TS Nguyễn Văn Thành cho rằng, cần xây dựng các hệ thống và nguyên tắc rõ ràng để phát triển công nghệ một cách đúng đắn và hiệu quả (Ảnh: Phan Chính) |
PGS.TS Nguyễn Văn Thành chia sẻ: “Nhiều quốc gia dù tài nguyên hạn chế nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ nhờ vào việc tập trung vào khoa học công nghệ. Ông dẫn chứng về Hàn Quốc, nơi các giáo sư đã chia sẻ rằng "quản lý và công nghệ là chìa khóa giúp đất nước phát triển". Điều này cho thấy, việc đầu tư vào khoa học công nghệ và quản lý hiệu quả là yếu tố then chốt để đạt được sự phát triển bền vững”.
PGS.TS Nguyễn Văn Thành khẳng định, Việt Nam cần rà soát lại danh mục khoa học công nghệ, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn phù hợp với xu hướng phát triển toàn cầu.
Ông Thành cho rằng, cần có cơ chế và chính sách mới để thúc đẩy sự phát triển của công nghệ, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Việc xây dựng chiến lược phát triển công nghệ chiến lược là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết đối với Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Văn Thành cho hay, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam cần có tầm nhìn dài hạn, chính sách khoa học công nghệ phù hợp và học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế. Đây là những yếu tố then chốt giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.