PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Khoa học công nghệ là chìa khóa tăng trưởng bền vững PGS. TS Trần Đình Thiên: Dòng tiền đầu tư công quyết định tăng trưởng kinh tế |
Trong bối cảnh thế giới đang bước vào kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo và công nghệ số, Việt Nam cần một chiến lược rõ ràng, thực tiễn và tập trung để không tụt hậu. PGS. TS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, đã đưa ra những nhận định thẳng thắn và mang tính gợi mở về định hướng phát triển khoa học công nghệ (KHCN) của nước ta, trong đó nhấn mạnh vai trò tập trung đầu tư, ứng dụng AI và tự chủ kỹ thuật như những nền tảng căn bản để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo PGS. TS Phan Đăng Tuất, việc Nghị quyết 57 xác định phân bổ 3% GDP cho phát triển KHCN là một bước tiến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ông thẳng thắn cho rằng con số này "chưa đâu vào đâu" nếu so với mức đầu tư của các quốc gia phát triển. Vấn đề không nằm ở con số tuyệt đối, mà ở cách sử dụng dòng tiền này như thế nào để thực sự tạo ra tác động lan tỏa, thay vì "rót vốn rồi phân bổ dàn trải, manh mún" như hiện nay.
![]() |
PGS. TS Phan Đăng Tuất - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (Ảnh: Phan Chính) |
“Cần tập trung đúng lĩnh vực, đúng đối tượng. Nếu 3% GDP mà chia đều cho tất cả, thì chẳng có lĩnh vực nào mạnh lên thực sự. Tập trung là chìa khóa”, ông Tuất nhấn mạnh.
Một trong những quan điểm nổi bật của ông Tuất là việc Việt Nam cần thoát khỏi tư duy "làm công nghệ để bán công nghệ". Thay vào đó, chúng ta nên tập trung vào tự chủ kỹ thuật, làm chủ quy trình và xuất khẩu sản phẩm cuối cùng, chứ không chỉ là bán ý tưởng hay nghiên cứu dang dở.
“Công nghệ không phải để nghiên cứu rồi bán đi. Việt Nam phải làm chủ kỹ xảo, kỹ thuật để tạo ra giá trị thực, tạo ra sản phẩm có thể xuất khẩu và thúc đẩy nền kinh tế,” ông Tuất nói.
Theo ông, hiện nay phần lớn công nghệ tiên tiến trong nước đều do các doanh nghiệp tư nhân nhập khẩu. Các thiết bị, dây chuyền tiên tiến tại Việt Nam phần lớn là mua về từ nước ngoài để phục vụ sản xuất, chứ không phải là kết quả nghiên cứu trong nước. Điều này thể hiện sự năng động của doanh nghiệp nhưng cũng là lời cảnh báo về năng lực tự chủ công nghệ quốc gia.
Trong điều kiện tài chính hạn hẹp, ông Tuất cho rằng Việt Nam cần ưu tiên ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để rút ngắn thời gian và chi phí phát triển các lĩnh vực công nghệ trọng điểm. AI không chỉ là công cụ tự động hóa, mà còn là giải pháp chiến lược giúp phân tích dữ liệu, tối ưu hóa sản xuất, dự báo xu hướng và hỗ trợ ra quyết định chính xác trong nghiên cứu.
“AI sẽ là chìa khóa để Việt Nam bứt phá trong điều kiện eo hẹp về nguồn lực. Nhưng muốn dùng AI hiệu quả, phải có dữ liệu, có nền tảng số và có con người đủ năng lực,” ông Tuất nhận định.
PGS. TS Phan Đăng Tuất cũng nhấn mạnh đến việc cần có phân định rõ ràng giữa lực lượng nghiên cứu và lực lượng sản xuất, tránh tình trạng “kéo nhau đi nghiên cứu rồi lại cùng đi sản xuất, không ai làm tròn vai”. Theo ông, Việt Nam cần tập trung bồi dưỡng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, giao nhiệm vụ rõ ràng, đồng thời xây dựng cơ chế đặc thù về tài chính và quản trị cho các đơn vị nghiên cứu trọng điểm.
“Không thể làm khoa học bằng cách chia đều nguồn lực. Chúng ta cần đầu tư tập trung vào những nhân lực tinh hoa, những nhóm nghiên cứu tinh gọn để có kết quả vượt trội, đột phá”, ông nói thêm.
Theo PGS. TS Phan Đăng Tuất, một hạn chế lâu nay trong đầu tư công nghệ ở Việt Nam là thiếu danh mục công nghệ trọng điểm. Việc không xác định rõ ràng lĩnh vực ưu tiên dễ dẫn tới đầu tư lan man, dàn trải và không hiệu quả.
“Chúng ta cần liệt kê rõ: ngành nào cần công nghệ gì? Công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, AI, công nghệ chế tạo… mỗi ngành cần phải có mục tiêu cụ thể. Từ đó mới xác định được hướng đi đúng và phân bổ ngân sách hợp lý,” ông Tuất đề xuất.
Cuối cùng, ông Tuất nhấn mạnh rằng phát triển công nghệ không thể tách rời sự hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và giới học thuật. Trong đó, doanh nghiệp cần đóng vai trò đầu kéo, là nơi hiện thực hóa các sản phẩm công nghệ. Nhà nước cần tạo cơ chế, chính sách thông thoáng và đầu tư có trọng điểm. Giới khoa học cần tập trung giải quyết các vấn đề thực tiễn, tránh chạy theo phong trào.