![]() |
Ông Matt Jackson - Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) |
Những thách thức mới trong chính sách dân số
Gần đây, nhiều báo cáo nhấn mạnh đến xu hướng mức sinh giảm tại Việt Nam. Đây có phải là vấn đề đáng lo ngại không, thưa ông?
Ông Matt Jackson: Báo cáo công bố ngày hôm nay đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình hiện đại hóa dữ liệu và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý dân số tại Việt Nam.
Đăng ký và thống kê hộ tịch không chỉ là một phần thiết yếu của quản lý nhà nước, mà còn là nền tảng quan trọng để các nhà hoạch định chính sách và chính quyền địa phương có thể thiết kế và cung cấp các dịch vụ công phù hợp, bao trùm và hiệu quả.
Thống kê không chỉ đơn thuần là những con số. Đó là những dữ liệu “biết nói”, phản ánh tình trạng sức khỏe, phúc lợi, cơ hội tiếp cận dịch vụ và hoàn cảnh kinh tế - xã hội của từng cá nhân. Khi được thu thập và phân tích đầy đủ, dữ liệu này giúp chúng ta hiểu rõ chính sách nào đang phát huy hiệu quả, người dân đã được hưởng lợi như thế nào từ các dịch vụ công, và quan trọng nhất là ai đang có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
Tôi đặc biệt vui mừng khi thấy những tín hiệu tích cực từ dữ liệu, đó là:
Tỷ lệ đăng ký khai sinh đúng hạn (trong vòng 60 ngày kể từ ngày sinh) đã tăng từ 74,4% vào năm 2021 lên 84,9% vào năm 2024.
Tỷ lệ đăng ký khai tử đúng hạn (trong vòng 15 ngày kể từ ngày tử vong) cũng được cải thiện, từ 66,4% năm 2021 lên 69,3% vào năm 2024.
Đây là những tiến bộ rõ rệt, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu dân số chính xác, kịp thời và có tính ứng dụng cao trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế và phát triển con người toàn diện.
Báo cáo cũng đưa ra các phát hiện quan trọng về xu hướng sinh, tử và kết hôn. Tổng tỷ suất sinh đang giảm và thấp hơn mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ. Trong khi đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn tồn tại và kéo dài trong nhiều năm vượt xa mức cân bằng là 104–106 bé trai/100 bé gái. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở các tỉnh khu vực phía Bắc mà điển hình là Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Giang. Tuổi trung bình khi sinh con của phụ nữ đang có xu hướng tăng dần. Có sự khác biệt lớn về tuổi trung bình khi sinh con của người mẹ chia theo dân tộc của mẹ. Phụ nữ dân tộc Hoa và dân tộc Kinh có tuổi trung bình khi sinh con cao nhất, lần lượt là 29,9 tuổi và 29,4 tuổi, cao hơn từ 6 đến 7 tuổi so với phụ nữ ở nhiều dân tộc khác như La Ha (23,2 tuổi), Cơ Lao (23,3 tuổi), La Hủ (23,7 tuổi), Hrê (23,8 tuổi), Xinh Mun (23,9 tuổi).
Về tử vong, tuổi chết trung bình của dân số Việt Nam giai đoạn 2021 - 2024 là 69,5 tuổi và có sự chênh lệch lớn về giới: tuổi chết trung bình ở nam giới là 64,6 tuổi và nữ giới là 75,6 tuổi. Phần lớn các ca tử vong năm 2024 là do bệnh tật hoặc tuổi già (chiếm 95,2% tổng số ca tử vong được ghi nhận). Đặc biệt, trên ba phần tư số ca tử vong do tai nạn giao thông và tự tử là nam giới.
Đến năm 2036, Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn “dân số già”
Bên cạnh mức sinh thấp, Việt Nam cũng đang đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng. Cụ thể tình hình này như thế nào thưa ông?
Ông Matt Jackson: Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ rất nhanh. Vào năm 2019, người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số. Dự báo đến năm 2050, con số này sẽ vượt mức 25%. Theo dự báo, đến năm 2036, Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn “dân số già”, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Điều này không chỉ là thay đổi về mặt thống kê mà là một chuyển biến lớn, đòi hỏi chúng ta phải nghiêm túc xem xét lại nhu cầu thực tế của người dân ở từng nhóm tuổi.
Như phóng viên đã đề cập là xu thế mức sinh xuống thấp, theo báo cáo gần đây của UNFPA, tỷ suất sinh của Việt Nam hiện ở mức 1,91 con/phụ nữ, thấp hơn mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ). Đây là xu hướng phổ biến trên toàn cầu, không chỉ tại Đông Nam Á mà còn ở nhiều khu vực phát triển và đang phát triển khác.
Trên thực tế, hiện nay khoảng 2/3 dân số thế giới đang sống tại các quốc gia có mức sinh dưới mức thay thế. Những con số này cho thấy rằng chúng ta cần đảm bảo rằng các chính sách dân số của Việt Nam thực sự phục vụ lợi ích của người dân và đáp ứng được thực tế thay đổi về cơ cấu dân số.
Vậy theo ông, các chính sách dân số nên ưu tiên điều gì trong giai đoạn hiện nay?
Ông Matt Jackson: Sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu dân số đòi hỏi chúng ta phải xem xét nghiêm túc đến nhu cầu thực tế của người dân ở từng nhóm tuổi. Trên hết, chúng ta cần xây dựng các chính sách dân số đặt con người làm trung tâm và dựa trên bằng chứng cụ thể.
Với người cao tuổi, cần đẩy mạnh phát triển các dịch vụ chăm sóc dài hạn, hệ thống y tế thân thiện và bảo đảm an sinh xã hội.
Còn với thế hệ trẻ, cần ưu tiên giải quyết các vấn đề như tiếp cận nhà ở, giáo dục, y tế và tạo việc làm bền vững.
Việc xây dựng chính sách dân số phải đặt con người làm trung tâm và dựa trên bằng chứng – để mỗi giai đoạn của cuộc đời đều xứng đáng được quan tâm đúng mức và nhận được sự hỗ trợ phù hợp từ nhà nước cũng như toàn xã hội.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!