![]() |
TS. Võ Trí Thành lý giải những đột phá từ Nghị quyết 68 |
Nghị quyết 68 ra đời được đánh giá là bước ngoặt lớn về chính sách kinh tế. Theo ông, đâu là điểm đột phá sâu sắc nhất?
TS. Võ Trí Thành: Điểm đột phá sâu sắc nhất chính là sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và tư duy đối với khu vực kinh tế tư nhân. Trước đây, kinh tế tư nhân thường được coi là "một trong những động lực" nhưng lần này, lần đầu tiên, nó được xác lập rõ ràng là "động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia". Đây không chỉ là câu chữ. Nó thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn nhằm tạo sự chuyển biến thực sự về cách tiếp cận, từ tư duy hoạch định chính sách đến hành động thực thi.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh tính chiến lược và lâu dài của việc phát triển kinh tế tư nhân, yêu cầu cụ thể hóa các mục tiêu vào chiến lược, chính sách quốc gia, tạo điều kiện giải phóng toàn bộ sức sản xuất xã hội, huy động tối đa các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực trong Nhân dân. Khi đã xác định kinh tế tư nhân là động lực then chốt, đương nhiên mọi cơ chế, chính sách cũng cần điều chỉnh để phù hợp với vai trò này. Đây thực sự là một cải cách rất mạnh mẽ và đầy tính cam kết.
Tuy vậy, khu vực kinh tế tư nhân vẫn đang gặp nhiều rào cản. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những thách thức này?
TS. Võ Trí Thành:Đúng vậy. Mặc dù có nhiều đóng góp quan trọng, khu vực kinh tế tư nhân vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức. Những khó khăn này mang tính hệ thống và đã tồn tại từ lâu.
Trước hết, đó là các rào cản về thể chế. Hệ thống pháp luật vẫn còn không ít quy định chồng chéo, thiếu nhất quán. Không ít điều kiện kinh doanh bất hợp lý, cơ chế "xin - cho" và thủ tục hành chính phức tạp đã cản trở sự phát triển năng động của doanh nghiệp.
Thứ hai là khả năng tiếp cận các nguồn lực quan trọng như vốn tín dụng, đất đai, công nghệ và nhân lực chất lượng cao vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi hoặc đất đai với giá cả hợp lý để mở rộng quy mô.
Ngoài ra, môi trường kinh doanh chưa thực sự minh bạch, ổn định và an toàn khiến doanh nghiệp khó lên kế hoạch dài hạn.
Đây là lý do vì sao Nghị quyết lần này đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, giảm chi phí, dễ thực thi và đạt chuẩn quốc tế.
Theo ông, kinh tế tư nhân sẽ đóng vai trò thế nào trong khát vọng Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045?
TS. Võ Trí Thành: Kinh tế tư nhân chắc chắn sẽ là trụ cột không thể thay thế trong hành trình hiện thực hóa khát vọng hùng cường năm 2045.
Theo mục tiêu của Nghị quyết, đến năm 2030, khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng góp khoảng 55-58% GDP, giải quyết việc làm cho hơn 80% lao động, đồng thời có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến 2045 còn tham vọng hơn: có khoảng 3 triệu doanh nghiệp, đóng góp trên 60% GDP và thực sự trở thành lực lượng tiên phong đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia phát triển.
Điều này không chỉ đòi hỏi nền tảng chính sách mạnh mẽ và minh bạch từ phía Nhà nước, mà còn yêu cầu bản thân các doanh nghiệp tư nhân phải vươn lên. Họ phải chấp nhận đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xây dựng năng lực quản trị hiện đại và chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đây chính là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn. Tuy nhiên, tôi tin với sự đồng hành và kiến tạo của Nhà nước, cùng khát vọng và nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp, kinh tế tư nhân Việt Nam hoàn toàn có thể làm được.
Nghị quyết đã mở đường, vậy theo ông, các doanh nghiệp tư nhân nên bắt đầu từ đâu để tận dụng thời cơ này?
TS. Võ Trí Thành: Tôi cho rằng, bên cạnh hỗ trợ từ chính sách, tự thân các doanh nghiệp phải chủ động thay đổi. Đó là điều kiện tiên quyết.
Doanh nghiệp tư nhân cần xác định rõ hơn chiến lược phát triển dài hạn. Cần đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ. Không chỉ vậy, xây dựng thương hiệu mạnh, tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội cũng là yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và hội nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế.
Ngoài ra, doanh nhân Việt Nam phải nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, khát vọng vươn lên, vừa dám nghĩ, dám làm vừa giữ vững đạo đức kinh doanh. Sự đồng hành chặt chẽ giữa Nhà nước và khu vực tư nhân chính là chìa khóa để Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Xin cảm ơn ông!