TRỰC TIẾP: Tọa đàm Bảo vệ thương hiệu trong thế giới thương mại nhiều biến số "An ninh thương hiệu không chỉ là bảo vệ mà còn là làm ổn định thương hiệu" |
Chia sẻ về cách xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam, tại buổi tọa đàm “Bảo vệ thương hiệu trong thế giới thương mại nhiều biến số" do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chủ trì, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập tổ chức ngày 28/5/2025. PGS.TS. Lê Xuân Bá – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương – cho rằng trước hết cần làm rõ ba trụ cột: xây dựng hình ảnh hàng hóa Việt Nam, nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia và tạo dựng vị thế trên trường quốc tế.
![]() |
PGS.TS. Lê Xuân Bá – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương phát biểu tại tọa đàm. |
Theo ông Bá, thương hiệu quốc gia không thể chỉ đơn thuần là một biểu tượng, mà phải phản ánh sự kết hợp hài hòa giữa tiềm lực kinh tế, chiều sâu văn hóa, lịch sử và chất lượng con người Việt Nam.
Mục tiêu cao nhất của định vị thương hiệu là thu hút sự quan tâm của cả trong và ngoài nước, qua đó nâng tầm năng lực tổng thể của quốc gia. Muốn làm được điều đó, ông Bá nhấn mạnh vai trò tuyên truyền và phổ biến rộng rãi những giá trị mà Việt Nam đang sở hữu – từ những thương hiệu như VinFast, đến nông sản, ẩm thực, hay những sản phẩm OCOP mang bản sắc riêng. Khi người tiêu dùng trong và ngoài nước sử dụng sản phẩm Việt, họ đang gián tiếp định vị giá trị quốc gia. Do đó, mỗi sản phẩm Việt xuất hiện trên thị trường quốc tế đều là một “đại sứ thương hiệu” không lời.
Tuy nhiên, PGS. TS. Lê Xuân Bá cũng thẳng thắn nhận định rằng điều kiện tiên quyết để thương hiệu Việt vươn tầm vẫn nằm ở chất lượng sản phẩm. Ông cho rằng, nếu không đảm bảo được chất lượng, việc xây dựng thương hiệu chỉ là điều viển vông. Dẫn chứng từ thực tiễn, ông nhắc lại giai đoạn người tiêu dùng Việt từng yêu thích TV Sony, nhưng nay đã chuyển sang các dòng sản phẩm của Samsung hay LG – những thương hiệu không chỉ nổi bật về chất lượng mà còn biết kết hợp giữa thiết kế tinh tế, mức giá hợp lý và trải nghiệm người dùng tốt.
![]() |
Toàn cảnh buổi tọa đàm |
Tuy nhiên, chất lượng thôi là chưa đủ, theo PGS. TS Lê Xuân Bá, để thương hiệu có thể tồn tại và phát triển bền vững, cần phải đi kèm với chiến lược giá phù hợp và nghệ thuật tiếp thị hiệu quả. Trong một thị trường toàn cầu đầy cạnh tranh, yếu tố giá thành trở thành một lợi thế chiến lược quan trọng. Khi giá hợp lý, sản phẩm sẽ dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng hơn, mở ra cơ hội để thương hiệu thâm nhập sâu rộng vào thị trường.
Bên cạnh chất lượng và giá cả, PGS. TS Lê Xuân Bá đặc biệt nhấn mạnh vai trò của yếu tố con người – nhân tố cốt lõi quyết định sự thành bại trong quá trình xây dựng thương hiệu quốc gia. Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với một thực trạng đáng lo ngại: có tới hơn 71% lực lượng lao động chưa được đào tạo kỹ thuật. Điều này khiến nền kinh tế gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao năng suất và giá trị gia tăng. Ông cho rằng, nếu không có chiến lược đầu tư bài bản vào giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực để thích ứng với yêu cầu phát triển mới, Việt Nam sẽ khó có thể cạnh tranh được với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Bởi lẽ, thương hiệu quốc gia không thể hình thành nếu thiếu vắng những con người vừa giỏi chuyên môn, vừa có tư duy hiện đại và am hiểu thị trường toàn cầu.
PGS.TS. Lê Xuân Bá còn cho rằng Việt Nam cần ưu tiên phát triển thương hiệu trong những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh rõ ràng, như nông sản, hải sản, rau củ quả, các sản phẩm OCOP và ngành công nghệ số. Đây đều là những ngành không chỉ có tiềm năng xuất khẩu lớn mà còn phù hợp với xu hướng tiêu dùng toàn cầu, nơi người mua ngày càng quan tâm đến yếu tố bền vững và khả năng truy xuất nguồn gốc.
Đặc biệt, công nghệ được xem là lĩnh vực mũi nhọn mới trong chiến lược thương hiệu quốc gia, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt nổi lên với khát vọng toàn cầu. PGS.TS. Lê Xuân Bá nhấn mạnh, việc khuyến khích đổi mới sáng tạo, đầu tư vào nghiên cứu phát triển và tăng cường năng lực số cho doanh nghiệp sẽ tạo ra nền tảng vững chắc để Việt Nam tham gia vào sân chơi thương hiệu công nghệ ở tầm quốc tế.
Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định vai trò không thể thiếu của hợp tác quốc tế trong quá trình nâng tầm thương hiệu quốc gia. Sự kết nối với các tổ chức uy tín và đối tác toàn cầu không chỉ giúp Việt Nam tiếp cận được công nghệ và phương thức quản trị tiên tiến, mà còn góp phần nâng cao độ tin cậy của thương hiệu Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Theo ông, điều cốt lõi lúc này là phải thay đổi tư duy làm thương hiệu, từ cách làm nhỏ lẻ, rời rạc sang cách tiếp cận tổng thể, tích hợp và nhất quán từ cấp doanh nghiệp đến tầm chính sách quốc gia.