PGS. TS. Bùi Quang Tuấn: Thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế Giải pháp nâng tầm thương hiệu Việt trong kỷ nguyên mới |
Chia sẻ tại Hội thảo Thương hiệu Việt trong kỷ nguyên hội nhập: Từ cơ hội đến thách thức diễn ra sáng 25/2/2025, PGS. TS. Nguyễn Quốc Thịnh - Chuyên gia xây dựng thương hiệu, Trường Đại học Thương mại cho rằng, Việt Nam sở hữu một kho tàng nông sản phong phú và đa dạng, từ nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, đến cốm làng Vồng hay nước mắm Phú Quốc.
Tuy nhiên, giá trị thực sự của những sản phẩm này chưa được khai thác hết tiềm năng. Thực tế, để nông sản Việt có thể vươn ra thế giới, không chỉ đơn giản là việc cải tiến chất lượng sản phẩm mà còn cần một chiến lược xây dựng thương hiệu mạnh mẽ và bền vững. Và trong xu thế hiện nay, thương hiệu cộng đồng chính là yếu tố then chốt, giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông sản Việt, đồng thời tạo nên sự kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và thị trường tiêu thụ.
Ông Thịnh cho biết, thương hiệu cộng đồng không giống như thương hiệu của một doanh nghiệp, bởi nó không thể chuyển nhượng, không mang tính sở hữu cá nhân mà là của một nhóm cộng đồng cùng chung một lợi ích, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông sản. Đây là một dạng thương hiệu gắn liền với nơi xuất xứ của sản phẩm và được bảo vệ bởi các quy định về chỉ dẫn địa lý, bảo vệ quyền lợi cho cả cộng đồng sản xuất.
![]() |
PGS. TS. Nguyễn Quốc Thịnh - Chuyên gia xây dựng thương hiệu, Trường Đại học Thương mại chia sẻ tại Hội thảo Thương hiệu Việt trong kỷ nguyên hội nhập: Từ cơ hội đến thách thức được tổ chức ngày 25/2/2025 (Ảnh: Phan Chính) |
Theo ông Thịnh, thương hiệu cộng đồng không chỉ giúp người sản xuất nông sản xây dựng được một cái tên, mà còn đảm bảo chất lượng ổn định, gia tăng giá trị, và gắn kết với bản sắc văn hóa vùng miền. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua các ví dụ điển hình như nhãn lồng Hưng Yên hay vải thiều Thanh Hà. Mỗi sản phẩm không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn là yếu tố giữ gìn nét đặc trưng văn hóa truyền thống của từng địa phương.
Vị chuyên gia này khẳng định, một trong những yếu tố quan trọng để phát triển thương hiệu cộng đồng cho nông sản là sử dụng chỉ dẫn địa lý. Đây là công cụ giúp phân biệt các sản phẩm đặc sản của từng vùng, nâng cao giá trị của chúng và bảo vệ quyền lợi của những người sản xuất. Ví dụ, cốm làng Vòng hay nước mắm Phú Quốc không chỉ là sản phẩm có giá trị kinh tế mà còn là biểu tượng văn hóa của đất nước. Khi những sản phẩm này được bảo vệ bằng chỉ dẫn địa lý, người tiêu dùng sẽ hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng của sản phẩm.
“Đồng thời, việc bảo vệ sở hữu trí tuệ cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu cộng đồng. Chính quyền và các tổ chức có liên quan cần hỗ trợ các cộng đồng sản xuất nông sản về các vấn đề liên quan đến bản quyền sáng chế, mẫu mã sản phẩm, và bảo vệ thương hiệu khỏi sự xâm phạm của hàng giả, hàng nhái”, PGS. TS. Nguyễn Quốc Thịnh chia sẻ.
Ngoài ra, ông Thịnh cũng cho rằng, không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ thương hiệu, đổi mới sáng tạo là một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao giá trị của sản phẩm nông sản. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quy trình sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, việc sáng tạo trong thiết kế bao bì, quảng bá sản phẩm qua các kênh truyền thông hiện đại cũng giúp thương hiệu cộng đồng dễ dàng tiếp cận khách hàng quốc tế.
Cũng theo PGS. TS. Nguyễn Quốc Thịnh, đổi mới sáng tạo trong phát triển thương hiệu cộng đồng còn thể hiện ở việc ứng dụng công nghệ số vào việc quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Các ứng dụng di động, hệ thống quản lý chuỗi cung ứng, hay các nền tảng thương mại điện tử có thể giúp nông sản Việt dễ dàng tiếp cận khách hàng trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Quốc Thịnh phân tích, việc xây dựng thương hiệu cộng đồng không thể thiếu sự đóng góp của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân. Chính quyền cần tích cực tham gia trong việc hỗ trợ các cộng đồng sản xuất nông sản, giúp đỡ họ trong việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, quảng bá sản phẩm ra thế giới và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
“Các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các cộng đồng sản xuất với thị trường, tạo ra những mô hình hợp tác hiệu quả, từ đó mở rộng phạm vi tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, sự đóng góp của các tổ chức xã hội và các chuyên gia trong ngành cũng là yếu tố không thể thiếu trong việc thúc đẩy quá trình phát triển thương hiệu cộng đồng”, ông Nguyễn Quốc Thịnh nói.
PGS. TS. Nguyễn Quốc Thịnh nhìn nhận, dù thương hiệu cộng đồng có rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Một trong những khó khăn lớn nhất là việc quản lý và duy trì chất lượng sản phẩm. Để giữ vững thương hiệu, cộng đồng sản xuất cần có một hệ thống kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt, đảm bảo rằng mỗi sản phẩm khi ra thị trường đều đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất.