Triển khai Nghị quyết 57 tại Yên Bái: Đột phá, sáng tạo mang thương hiệu riêng Nikola: Từ giấc mộng 30 tỷ đô đến cơn ác mộng phá sản trong 5 năm |
PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam , cho biết, trong suốt những năm qua, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Theo thống kê từ tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt mức tăng trưởng 102% trong giai đoạn 2019-2023, đạt giá trị 498,13 tỷ USD vào năm 2023, tăng 15,6% so với năm trước. Điều này chứng tỏ một điều quan trọng: thương hiệu quốc gia Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế.
Theo ông Tuấn, với quá trình hội nhập mạnh mẽ, các sản phẩm mang thương hiệu Việt như gạo ST25, cà phê, sầu riêng, hay sữa Vinamilk đã giành được sự công nhận quốc tế. Gạo ST25, ví dụ, nhiều lần liên tiếp được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới. Đặc biệt, Vinamilk, với chiến lược xây dựng thương hiệu rõ ràng và bền vững, đã thành công trong việc xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản và các nước trong khu vực ASEAN.
![]() |
PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam. (Ảnh: Bảo Trinh) |
“Chúng ta không thể phủ nhận rằng, thương hiệu Việt đang tạo dựng niềm tin vững vàng không chỉ trong lòng người tiêu dùng trong nước mà còn cả quốc tế. Câu chuyện thành công này xuất phát từ sự kết hợp hài hòa giữa bản sắc văn hóa Việt Nam, chất lượng sản phẩm và tinh thần tự lực tự cường. Chính điều này đã góp phần không nhỏ vào việc khẳng định vai trò của thương hiệu quốc gia trong kỷ nguyên hội nhập”, PGS. TS Bùi Quang Tuấn chia sẻ.
Cũng theo ông Tuấn, trong khi sự khẳng định về giá trị thương hiệu Việt đang ngày càng mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Một trong những khó khăn chính mà các doanh nghiệp phải đối mặt là tính cạnh tranh cao từ các thương hiệu quốc tế lớn. Các thương hiệu này không chỉ vượt trội về chất lượng và giá cả mà còn sở hữu những chiến lược marketing mạnh mẽ và mạng lưới phân phối toàn cầu rộng lớn. Điều này khiến cho việc thâm nhập vào thị trường mới, đặc biệt là các thị trường khó tính như châu Âu và Bắc Mỹ, trở nên vô cùng khó khăn.
PGS. TS. Bùi Quang Tuấn khẳng định, cùng với những tín hiệu tích cực về sự phát triển thương hiệu, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn trong quá trình xây dựng và quản lý thương hiệu trên thị trường quốc tế. Đầu tiên, một yếu tố quan trọng chính là nguồn vốn. Rất nhiều doanh nghiệp Việt hiện nay vẫn gặp phải khó khăn trong việc huy động đủ vốn để đầu tư vào các hoạt động marketing, quảng bá thương hiệu và cải thiện chất lượng sản phẩm. Điều này khiến họ không thể cạnh tranh công bằng với các đối thủ lớn, có đủ tài chính để triển khai các chiến dịch quảng cáo quy mô lớn.
![]() |
PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam |
Thứ hai, kinh nghiệm trong việc xây dựng và quản lý thương hiệu cũng là một rào cản lớn. Hầu hết các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển thương hiệu quốc tế. Chính sự thiếu hụt về kiến thức và chiến lược dài hạn trong việc xây dựng thương hiệu đã khiến cho họ gặp khó khăn trong việc duy trì uy tín và giá trị thương hiệu trên thị trường toàn cầu.
Thêm vào đó, văn hóa và ngôn ngữ là một yếu tố không thể bỏ qua. Việc xây dựng một thương hiệu không chỉ là câu chuyện của chất lượng sản phẩm mà còn là việc gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc. Do đó, việc thiếu sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa tiêu dùng ở các quốc gia khác cũng là một yếu tố khiến cho các thương hiệu Việt chưa thể tiếp cận hiệu quả đối với người tiêu dùng quốc tế.
PGS. TS. Bùi Quang Tuấn phân tích, sự thay đổi trong môi trường toàn cầu cũng đặt ra những thử thách không nhỏ. Thế giới hiện nay đang phải đối mặt với nhiều biến động chính trị, xã hội và môi trường. Sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, toàn cầu hóa chững lại và xu hướng phân mảng kinh tế, các cuộc cách mạng công nghệ, và tác động của biến đổi khí hậu đều có thể ảnh hưởng đến chiến lược phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp Việt. Đặc biệt, chuyển đổi số và ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ là những yếu tố quyết định trong chiến lược phát triển thương hiệu trong tương lai.
Ông Cho rằng, cơ hội vẫn còn rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam nếu biết cách tận dụng những xu hướng hiện đại, đặc biệt là chuyển đổi số và việc đáp ứng tiêu chuẩn ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị). Trong bối cảnh toàn cầu, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các yếu tố bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Việc áp dụng các chiến lược phát triển bền vững, từ sản xuất đến phân phối, có thể giúp các thương hiệu Việt gia tăng giá trị và xây dựng lòng tin với người tiêu dùng quốc tế.
Để giải quyết các thách thức này, Vị chuyên gia này cho hay, các doanh nghiệp Việt cần phải có một chiến lược xây dựng thương hiệu rõ ràng và dài hạn, với sự kết hợp giữa đổi mới công nghệ, sáng tạo trong sản phẩm, cùng việc phát huy các yếu tố văn hóa đặc sắc. Đồng thời, việc hợp tác với các tổ chức quốc tế và các đối tác chiến lược cũng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong hành trình nâng cao giá trị thương hiệu và vươn ra thế giới.
“Thương hiệu Việt đang ở một thời điểm quan trọng trong quá trình phát triển, khi mà hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không thiếu thách thức. Để đạt được những bước tiến vượt bậc như gạo ST25 hay Vinamilk, các doanh nghiệp Việt cần phải cải thiện khả năng cạnh tranh, xây dựng chiến lược bền vững và chú trọng đến việc phát triển thương hiệu đồng bộ từ chất lượng sản phẩm cho đến hình ảnh thương hiệu. Đây là một con đường dài đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng, nhưng cũng là cơ hội để thương hiệu Việt khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường quốc tế”, PGS. TS Bùi Quang Tuấn chia sẻ.