Ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT |
Tại Hội thảo “Kết nối mạng lưới cố vấn khởi nghiệp toàn cầu” diễn ra sáng ngày hôm nay (23/12), ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường - Trường Đại học FPT, đã chia sẻ những trăn trở sâu sắc về việc thu hút nhân tài Việt Nam trên thế giới để cùng xây dựng đất nước.
Mở đầu, ông kể về bước tiến lớn của FPT khi hợp tác với Nvidia, quyết định đầu tư 5.000 tỷ đồng xây dựng AI Factory tại Việt Nam và mạnh tay đẩy mạnh lĩnh vực chip và bán dẫn. Tuy nhiên, ông đặt một câu hỏi đầy day dứt: “Các chuyên gia Việt Nam về trí tuệ nhân tạo và bán dẫn là ai và họ đang ở đâu?”
Dù FPT đã hiện diện tại 85 thành phố trên toàn cầu, việc kết nối với các chuyên gia Việt vẫn là thách thức lớn. Do đó, ông kêu gọi Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài trở thành “cầu nối” thực sự, giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận những trí thức hàng đầu, đặc biệt là trong các chuyến công tác nước ngoài của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Ông đề nghị: “Mỗi chuyến đi đến các quốc gia như Mỹ, Đức, Nhật… hãy mời các chuyên gia người Việt đúng ngành nghề đến chia sẻ về những gì đất nước đang làm.”
Một trải nghiệm đặc biệt của ông Hoàng Nam Tiến tại Đại học Tokyo vào ngày 8/12 càng khẳng định tầm quan trọng của việc này. Ông đã gặp các giáo sư, tiến sĩ người Việt dẫn đầu các dự án công nghệ lớn của Nhật Bản như chất siêu dẫn cho máy tính lượng tử hay vật liệu thay thế silicon trong bán dẫn. Họ đều bày tỏ mong muốn góp sức cho quê hương nhưng đồng thời cũng nêu lên trăn trở: “GDP bên này gấp 15-20 lần Việt Nam, thu nhâp cũng đang vượt trội so với bất kì chính sách đãi ngộ nào ở Việt Nam. Ở bên này cũng thường xuyên tiếp xúc với môi trường đỉnh cao về công nghệ vậy môi trường làm việc ở Việt Nam có đủ điều kiện để chúng tôi phát huy tối đa năng lực không?”
Vấn đề không chỉ nằm ở thu nhập hay đãi ngộ. Những nhà khoa học này sẵn sàng “chịu khổ, nhận lương thấp” nhưng điều kiện tiên quyết là phải được làm những bài toán “hay và khó.” Theo ông Tiến, những bài toán này cần xuất phát từ Chính phủ, các bộ ngành, hay địa phương và phải được trình bày rõ ràng: “Chúng tôi có vấn đề như thế này, có ngân sách, có đội ngũ, và cần các chuyên gia hàng đầu người Việt trên thế giới tham gia giải quyết".
Về vai trò của Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, ông nhấn mạnh, không chỉ dừng lại ở việc kết nối mà cần trở thành “bệ đỡ” thực sự. Ủy ban nên trực tiếp làm việc với các địa phương, tập hợp các bài toán lớn, đặt chúng lên bàn thảo luận trong các dịp giao lưu quốc tế. Ông Tiến cho rằng, chỉ khi làm như vậy, nhân tài người Việt mới sẵn sàng trở về và đóng góp, thay vì chỉ đến thăm hoặc tham dự các sự kiện ngắn hạn.
Người ta thường nói “quốc gia lâm nguy thất phu hữu trách”, điều này hoàn toàn đúng và ông Tiến cũng bày tỏ sự ngạc nhiên vì những người tri thức ở nước ngoài họ đều thành đạt, đều có vị trí nhất định nhưng họ sẵn sàng về Việt Nam.
“Chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận. Hãy khơi gợi trách nhiệm và sứ mệnh của người tri thức. Khi nghe hai từ này, họ sẽ không hỏi về đãi ngộ hay quyền lợi, mà sẽ tự vấn: Đất nước cần tôi làm điều gì?”, ông Tiến nói.
Ông Tiến kể thêm về chuyến công tác tại Mỹ và Nhật Bản, nơi ông gặp nhiều trí thức hàng đầu. Dù thành đạt, họ vẫn luôn nhớ mình là người Việt Nam và sẵn sàng trở về nếu được giao những nhiệm vụ xứng đáng. Ông nhắc đến câu chuyện của ông Phương Trầm – cựu CIO của DuPont, một tập đoàn hóa chất hàng đầu thế giới.
“Năm nào ông Phương Trần cũng về và dành cho chúng tôi cả một tuần dạy cầm tay chỉ việc. Anh Trương Gia Bình – Chủ tịch của Tập đoàn FPT luôn gọi ông Phương Trầm là sư phụ và chúng tôi cùng đều coi ông là sư phụ. Một tuần làm việc với ông, quả thật là khác biệt. Sự tâm huyết, kinh nghiệm, trải nghiệm ở vị trí CIO của một tập đoàn hàng đầu thế giới mang lại giá trị vô cùng to lớn cho đội ngũ doanh nghiệp trong nước như chúng tôi”, ông Tiến chia sẻ.
Ngoài ra, ông cũng so sánh với cách Trung Quốc thu hút nhân tài: “Người Trung Quốc không chỉ trọng đãi nhân tài, họ còn khơi gợi lòng tự tôn dân tộc, làm cho các nhà khoa học cảm thấy họ có trách nhiệm với đất nước". Điều này, theo ông, là bài học mà Việt Nam cần học hỏi để xây dựng chiến lược thu hút nhân tài bền vững.
Ông Hoàng Nam Tiến cũng nhấn mạnh rằng, trách nhiệm và sứ mệnh của người tri thức Việt Nam không chỉ là câu chuyện cá nhân mà phải được quốc gia định hướng, dẫn dắt.
Từ những chia sẻ của ông, có thể thấy rằng để thu hút nhân tài trở về cống hiến, điều cốt lõi là tạo ra những bài toán xứng tầm, để họ tự hào khi góp phần xây dựng quê hương. Chỉ khi làm được điều đó, chúng ta mới có thể phát huy tối đa nguồn lực trí tuệ quý báu của người Việt trên toàn cầu.