Nhập khẩu tăng, xuất khẩu giảm
Số liệu từ Tổng cục Hải quan về hoạt động xuất nhập khẩu cho thấy, trong nửa đầu tháng 1, tổng giá trị xuất khẩu cả nước đạt 9,2 tỷ USD, giảm nhẹ 71 triệu USD so với cùng kỳ 2018; nhập khẩu đạt gần 10,2 tỷ USD. Như vậy giá trị nhập siêu lên đến gần 1 tỷ USD.
Nhập khẩu kì này mang tính chất mùa vụ để phục vụ hàng hóa dịp Tết hoặc tăng nhập máy móc thiết bị, nguyên vật liệu trong chiến lược đầu tư mở rộng, dự trữ nguyên liệu sản xuất xuất khẩu sau Tết. Đây là thời điểm DN bắt đầu tăng cường nhập khẩu nguyên liệu. Dựa trên cơ cấu ngành hàng cho thấy, những sản phẩm nhập khẩu tăng mạnh, tập trung chủ yếu nguyên vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất sản phẩm như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với kim ngạch đạt lần lượt 1,821 tỷ USD và 1,613 tỷ USD; Ngoài ra, còn do lượng ô tô nhập trong nửa tháng đầu năm tăng mạnh khiến cán cân thương mại chênh lệch cao.
Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Cái Lân. Ảnh: Chiến Công |
Ngược lại, nhóm hàng xuất khẩu chủ lực những năm qua của Việt Nam là điện thoại thì trong nửa tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này giảm mạnh, chỉ đạt 1,293 tỷ USD (cùng kỳ năm ngoái là hơn 2,1 tỷ USD). Như vậy, riêng xuất khẩu điện thoại đã bị sụt giảm đến hơn 800 triệu USD, tương đương hơn 39% kim ngạch của mặt hàng này. Đây cũng là lý do chính khiến trị giá xuất khẩu cả nước bị sụt giảm. Xuất khẩu nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng bị sụt giảm khoảng 50 triệu USD.
Ở góc độ khác, các chuyên gia kinh tế cho rằng, những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã ít nhiều ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của hàng xuất khẩu Việt Nam. Hiện Trung Quốc vốn là thị trường nhập khẩu nông sản, thủy hải sản lớn nhất Việt Nam, nhưng những tháng qua, thị trường giao dịch hàng nông sản rơi vào tình trạng ảm đạm.
Chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước
Trong 3 năm trở lại đây, Việt Nam có sự cải thiện cán cân thương mại, xuất siêu liên tục. Theo các chuyên gia, nhập siêu có thể trở lại trong năm 2019 song ở mức độ không lớn. TS Võ Trí Thành nhận định, đất nước phát triển, nhu cầu của người dân càng cao nên nhập khẩu hàng tiêu dùng cũng cao lên. Việc kiểm soát chặt nhập khẩu các mặt hàng mà trong nước đã sản xuất được, đặc biệt là các mặt hàng xa xỉ là điều cần phải làm ngay. Đơn cử như 15 ngày đầu tháng 1/2019, cả nước đã tiêu tốn 79,88 triệu USD để nhập khẩu các mặt hàng rau quả, gần bằng một nửa so với kim ngạch xuất khẩu rau quả trong thời gian này là 166,54 tỷ USD.
Trong khi đó, PGS. TS Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, với việc thực thi Hiệp định CPTPP sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam của các DN trong và ngoài nước, khiến việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ cho các dự án sẽ tăng. Ngoài ra, yếu tố “nguồn gốc xuất xứ” cũng ảnh hưởng rất lớn. “Nhập siêu của Việt Nam chủ yếu ở lĩnh vực công nghệ, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất trong nước thay vì nguyên vật liệu cho gia công”- ông Thắng nói. Tuy nhiên, ông Thắng đánh giá, nhập siêu thời gian qua không đáng lo. Lý do, nhập khẩu là để tạo năng lực sản xuất, máy móc thiết bị công nghệ giúp cải thiện năng suất, có thể giúp Việt Nam thay đổi được công nghiệp phụ trợ chứ không phải là đơn thuần lắp ráp như hiện nay.
Dự báo năm 2019 Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức do kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo không ở mức cao. Tuy vậy, việc có quan hệ thương mại tự do với nhiều thị trường quan trọng như ASEAN, Nhật Bản, Nga và sắp tới đây là EU, Việt Nam sẽ ở vào một vị trí rất đặc biệt. Các chuỗi cung ứng sẽ cân nhắc nghiêm túc việc dịch chuyển một phần của chuỗi sang Việt Nam và nếu điều đó xảy ra, sẽ chứng kiến sự ra đời của một loạt mặt hàng xuất khẩu mới. Ngay cả với CPTPP, Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đến những quốc gia không có FTA song phương với Việt Nam như Canada, Mexico, Peru… Điều này sẽ giúp cán cân thương mại cân bằng hơn.
"Để giảm nguy cơ nhập siêu, tăng tính ổn định cho kim ngạch xuất khẩu, thoát khỏi nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI, cần phải chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước. Cùng với đó, phải có chính sách hỗ trợ hiệu quả để nâng cao năng lực cho DN sản xuất sản phẩm phụ trợ." - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính. |
Nguyên Anh