Theo định hướng của Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, ngành Hải quan sẽ giảm thiểu tối đa việc kiểm tra trực tiếp tại khâu làm thủ tục, thay vào đó chuyển mạnh sang mô hình hậu kiểm. Mục tiêu là tăng hiệu quả kiểm tra, đồng thời tạo thuận lợi tối đa cho hàng hóa xuất nhập khẩu.
Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm cơ quan Hải quan đã xử lý khoảng 14 triệu tờ khai thông quan, với tỷ lệ luồng Xanh đạt 65–68%, luồng Vàng 28–31% và luồng Đỏ duy trì ở mức 3–5%. Những con số này cho thấy ngành Hải quan đang tiệm cận dần các chỉ tiêu đề ra, tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 70% luồng Xanh đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ, mang tính hệ thống.
Ban Quản lý rủi ro (Cục Hải quan) đã xây dựng Đề án Giảm tỷ lệ kiểm tra trong thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, đồng thời đưa ra Kế hoạch triển khai thực hiện với nhiều nội dung cụ thể.
Một trong những trọng tâm là đẩy mạnh số hóa dữ liệu phục vụ kiểm tra tự động. Thay vì công chức Hải quan trực tiếp kiểm tra hồ sơ, hệ thống sẽ đối chiếu tự động các dữ liệu tờ khai hải quan với thông tin từ nhiều nguồn: danh mục hàng hóa quản lý chất lượng, giấy phép, chứng nhận xuất xứ (C/O), kết quả kiểm tra chuyên ngành, trị giá tham khảo, biểu thuế...
Để thực hiện hiệu quả giải pháp này, Ban Quản lý rủi ro đề nghị các bộ, ngành quản lý chuyên ngành chuẩn hóa, cắt giảm các danh mục hàng hóa kiểm tra tại khâu thông quan, đồng thời số hóa toàn bộ dữ liệu kiểm tra chuyên ngành để phục vụ hệ thống nhận diện, đối chiếu tự động.
![]() |
Ngành Hải quan hướng tới tỷ lệ phân luồng Xanh đạt 70%: Tăng số hóa, giảm kiểm tra thủ công |
Song song với đó, cơ quan Hải quan tăng cường phân cấp, giao quyền cho các cấp hải quan trong việc áp dụng tiêu chí phân luồng kiểm tra. Việc trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị sẽ được nâng cao, phục vụ cho việc phân tích, đánh giá rủi ro chính xác hơn.
Ngành Hải quan cũng chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự, đặc biệt là tại các Chi cục Hải quan khu vực, nơi triển khai các hoạt động quản lý rủi ro, phúc tập hồ sơ và kiểm tra sau thông quan. Các phần mềm chuyên dụng phục vụ phân luồng, hậu kiểm cũng đang được xây dựng và hoàn thiện theo lộ trình, đảm bảo ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.
Đáng chú ý, cùng với hiện đại hóa hệ thống, ngành Hải quan cũng tăng cường công tác kiểm soát nội bộ, đề cao kỷ cương trong thực thi công vụ. Những biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp sẽ bị phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định.
Với cách tiếp cận toàn diện – từ chính sách, công nghệ đến tổ chức và con người – ngành Hải quan đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu tạo lập môi trường thông quan thuận lợi, minh bạch và hiệu quả, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập và phát triển kinh tế.